Dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi TPHCM: Không có chứng chỉ vẫn phê duyệt hồ sơ mời thầu

(khoahocdoisong.vn) - Trong quá trình thực hiện Dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi TPHCM, Thành đoàn TPHCM và các đơn vị tham gia thực hiện dự án còn nhiều sai sót, vi phạm, trong đó có trách nhiệm của Thành đoàn TPHCM với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án và cơ quan chủ quản của Nhà Thiếu nhi TPHCM.

Vi phạm Luật Đấu thầu

Ngày 22/12/2020, Thanh tra TPHCM đã có Thông báo kết luận thanh tra số 158/TB-TTTP-P3 về Dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi TPHCM do Thành đoàn TPHCM làm chủ đầu tư, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của Thành đoàn TPHCM và các đơn vị tham gia thực hiện dự án.

Theo Thanh tra TPHCM, trong việc lựa chọn nhà thầu, tại thời điểm đấu thầu các gói thầu của dự án, các thành viên thuộc Ban Quản lý dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi TPHCM đều không có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu. Điều này không phù hợp với quy định tại Luật Đấu thầu 2013 về điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu.

Bên cạnh đó, việc Thành đoàn TPHCM không thực hiện đăng tải thông tin kế hoạch đấu thầu trên trang Hệ thống đấu thầu điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà giao cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ tư vấn xây dựng Bửu Thành thực hiện là không đúng trách nhiệm của chủ đầu tư, chưa đúng quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ quan Thanh tra TPHCM cho biết, việc Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM ký quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu khi chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu là chưa đúng quy định.

Cơ quan Thanh tra TPHCM cho biết, việc Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM ký quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu khi chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu là chưa đúng quy định. 

Tiếp đó, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu tại gói thầu thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và chống sét (gói thầu số 18), Công ty TNHH tư vấn thiết kế Thái An chỉ xem xét tổng nguồn vốn của Công ty TNHH xây dựng thương mại Cơ khí Sản xuất Song Lộc (lớn hơn 20 tỷ đồng) để đánh giá nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ hoặc siêu nhỏ là chưa đầy đủ các tiêu chí đánh giá được quy định.

Cùng với đó, Thành đoàn TPHCM chưa đối chiếu xuất xứ của các thiết bị thông gió thu hồi nhiệt và thiết bị xử lý gió tươi là chưa thực hiện đầy đủ các nội dung cần đối chiếu quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành nguồn vốn Nhà nước.

Tương tự, Thành đoàn TPHCM và Công ty TNHH tư vấn thiết kế Thái An chưa làm rõ trong Biên bản thương thảo hợp đồng về nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại của vật tư, thiết bị chủ yếu sử dụng cho gói thầu Trạm biến áp 750kva (gói thầu số 14) nhưng Công ty Thái An đã có tờ trình, Ban Quản lý dự án đã có báo cáo thẩm định và Thành đoàn TPHCM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là thực hiện không đúng quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Cơ quan Thanh tra TPHCM cũng cho hay, Thành đoàn TPHCM chấp nhận bảo lãnh dự thầu bằng hình thức nộp tiền mặt của một số đơn vị dự thầu tại thời điểm đóng thầu của gói thầu trang thiết bị âm thanh phòng chiếu phim 3D, màn chiếu, máy chiếu phim chuyên dụng và trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hội trường (gói thầu số 16), gói thầu trang thiết bị bàn ghế, thiết bị văn phòng (gói thầu số 17) và gói thầu thi công lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy và chống sét (gói thầu số 18) là không đúng yêu cầu trong hồ sơ mời thầu và quy định của pháp luật.

Mặt khác, trong quá trình sử dụng, Nhà Thiếu nhi TPHCM dừng bảo trì thang máy từ tháng 2/2018 là không thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất về bảo trì thường xuyên, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhà Thiếu nhi TPHCM sử dụng một phần hầm xe để các vật dụng phục vụ cho các hoạt động là không phù hợp và cần khẩn trương di dời, bố trí lại các vật dụng để tránh nguy cơ cháy, nổ.

Ngoài ra, biên bản nghiệm thu hạng mục công trình đưa vào sử dụng năm 2017 không ghi nhận nghiệm thu đối với máy vi tính, máy in và 5 bình khí CO2 là không đúng về nội dung ghi biên bản nghiệm thu. Trong quá trình sử dụng hệ thống phòng cháy, chữa cháy và chống sét, việc Nhà Thiếu nhi TPHCM không thuê đơn vị chức năng đo điện trở của hệ thống chống sét là không đúng theo Tiêu chuẩn quốc gia về chống sét cho công trình xây dựng; không mua bảo hiểm phòng cháy chữa cháy là không đúng quy định của pháp luật…

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư

Quá trình thanh tra trực tiếp tại dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi TPHCM, Thanh tra TPHCM nhận thấy các đơn vị tham gia thực hiện dự án đều có sai sót. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng Kiến trúc miền Nam (đơn vị thiết kế kỹ thuật thi công và lập tổng dự toán) sai sót về thiết kế và lập dự toán thiếu. Công ty TNHH tư vấn thiết kế Thái An (đơn vị tư vấn đấu thầu) sai sót về lập hồ sơ mời thầu và đánh giá các hồ sơ dự thầu. Liên danh Công ty CP tư vấn Kiến trúc và Xây dựng TPHCM và Công ty TNHH thương mại dịch vụ tư vấn xây dựng Bửu Thành (đơn vị tư vấn giám sát) sai sót về giám sát việc thi công và xác nhận, nghiệm thu khối lượng hoàn thành chưa chính xác. Các nhà thầu thi công tại các gói thầu cũng đều có sai sót (riêng đối với Công ty CP đầu tư xây dựng Thanh Niên là đơn vị thi công xây lắp phải nộp lại ngân sách Nhà nước số tiền hơn 140 triệu đồng).

Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm trong thực hiện dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi Thành phố do Thành đoàn TPHCM làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều vi phạm trong thực hiện dự án nâng cấp Nhà Thiếu nhi Thành phố do Thành đoàn TPHCM làm chủ đầu tư. 

Cơ quan Thanh tra cũng chỉ rõ, Thành đoàn TPHCM với trách nhiệm là chủ đầu tư, tham gia tất cả quá trình thực hiện dự án (từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đến giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng), nên đối với các sai sót của các đơn vị nêu trên, ngoài trách nhiệm chính thuộc các đơn vị trực tiếp thực hiện, còn có trách nhiệm của Thành đoàn TPHCM.         

Từ những sai sót trên, Thanh tra TPHCM kiến nghị, đã được Chủ tịch UBND TPHCM kết luận, chỉ đạo những nội dung như yêu cầu Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM tổ chức rút kinh nghiệm trong tập thể; chấn chỉnh, khắc phục các sai sót trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, thương thảo hợp đồng, giám sát việc thực hiện của các nhà thầu và nghiệm thu khối lượng.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành đoàn TPHCM phải thực hiện bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu đối với Bí thư và Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM để đáp ứng điều kiện đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu; yêu cầu các đơn vị tập trung chấn chỉnh, khắc phục, buộc phải thực hiện nghiêm và đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà Thiếu nhi TPHCM.

Giám đốc Nhà Thiếu nhi TPHCM phải bố trí, lập dự toán kinh phí mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy, chi phí duy tu bảo trì hệ thống thang máy và chi phí thuê đơn vị chức năng đo điện trở của hệ thống chống sét công trình Nhà Thiếu nhi TPHCM trình Sở Tài chính và UBND TPHCM phê duyệt. Xây dựng quy chế quản lý và sử dụng Nhà Thiếu nhi TPHCM, đảm bảo khoa học, khai thác sử dụng hiệu quả công trình xây dựng, phục vụ tốt cho thiếu nhi thành phố…

Theo Đời sống
back to top