Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Những kỷ lục buồn và 3 bài học lớn

“Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một bài học lớn cho các tuyến khác, trong đó là câu chuyện quản lý dự án, chọn và ký kết hợp đồng với đối tác”, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải đã chia sẻ như vậy với Khoa học và Đời sống.

Sau 13 năm triển khai và trải qua 5 đời Bộ trưởng Giao thông vận tải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã được Bộ Giao thông vận tải bàn giao UBND TP Hà Nội và chính thức đi vào khai thác thương mại ngày 6/11. Đây là mốc lịch sử, bởi đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội cũng như của cả nước được đi vào hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải bàn giao tuyến metro Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội - Ảnh: Trần Hải

Bài học cho kỷ lục thời gian và đội vốn

Với sự kiện chính thức đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác thương mại từ ngày 6/11/2021, theo ông, dự án có thể nói là thành công hay chưa?

Đánh giá mức độ thành công của dự án này ở mức độ nào thật sự rất khó nói. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân tôi - người đã công tác trong ngành giao thông mấy chục năm đã chứng kiến nhiều dự án nhưng tôi chưa thấy dự án nào giữ kỷ lục về thời gian, đội vốn như dự án này.

Đây là dự án có thể sẽ gây tổn thất lớn nhất mà tôi từng chứng kiến và chưa biết bao giờ hoàn được vốn. Nó khó và có thể rất lâu mới hoàn vốn được vì đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, thời gian đó lãi suất ngân hàng cũng phải gánh hàng nghìn tỷ đồng. Tiếp nữa là tổn thất về vấn đề ùn tắc giao thông và vấn đề môi trường. Hệ quả của nó gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế.

Dự án có biểu hiện “chín ép” không, thưa ông?

Nhìn chung, về mặt tâm lý trước áp lực dư luận tuy gọi là dự án hoàn thành nhưng nó có một cái gì đó có vẻ chưa trơn tru, chưa hoàn hảo.

Điều làm ông băn khoăn tại dự án này?

Dự án này thật sự gây ra sự khó hiểu cho rất nhiều người dân.

Thứ nhất, dự án kéo dài thời gian rất khó hiểu, 12 lần “lỡ hẹn”. Cơ quan quản lý dự án (Bộ Giao thông vận tải) gần như không kiểm soát được. Trong khi đó, phía doanh nghiệp Trung Quốc gây rất nhiều khó khăn về vấn đề chất lượng, công nghệ, đội vốn, tài chính.

Thứ hai, dù là tuyến đường sắt động mạch của giao thông đô thị Thủ đô nhưng kéo dài thời gian 13 năm, gây ra tổn thất lớn nhưng đến nay không ai bị xử lý cả. Nó vẫn tồn tại, trong khi đó người dân thì ngơ ngác.

Một điểm nữa là chưa có dự án nào mà gây mất lòng tin đối với người dân như dự án này. Bảo dự án chỉ còn vài phần trăm (%) hoàn thành mà mãi không xong. Thuế của nhân dân phải được sử dụng một cách hiệu quả, chắt chiu không thể để tùy tiện, lãng phí được.

Không có nghĩa là phủ nhận tất cả, nhưng thực sự đó là ý kiến và tâm tư của người dân mà Bộ Giao thông vận tải phải rút kinh nghiệm.

Tổng mức đầu tư ban đầu dự án là 8.769 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng). - Ảnh: Trần Hải

Bài học kiểm soát dự án

Xin ông nói rõ hơn, tại sao chúng ta khó kiểm soát dự án?

Thứ nhất, tôi thấy rằng chúng ta đã chọn đối tác có vấn đề. Chọn đối tác thì phải chọn đối tác có kinh nghiệm, phải có sản phẩm rõ ràng, phải sờ tận tay, nhìn tận mắt, đánh giá hiệu quả thì mới chọn.

Ở đây chúng ta chọn một đối tác mà tôi cho rằng không phải xuất sắc ở Trung Quốc. Trong khi đó, đây lại là dự án quốc gia tại Thủ đô, thì đó là một sai lầm.

Thứ hai, về phía Việt Nam cũng thể hiện có vấn đề chứ không phải chỉ riêng phía Trung Quốc. Chúng ta quản lý dự án thể hiện cái non nớt, không nắm được chuyên môn, không nắm được bản chất công nghệ. Trong quá trình làm hợp đồng, theo tôi là ký bị lỏng lẻo, không có ràng buộc, không quy trách nhiệm cụ thể của đối tác, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian, đội vốn như hiện nay.

Bài học quản lý

Hiện còn rất nhiều dự án giao thông, trong đó một số kéo dài hàng chục năm, vậy tình trạng các dự án khác có tương tự?

Đúng, với tư cách là người làm trong ngành giao thông lâu năm tôi cũng cảnh báo các dự án khác, kể cả dự án Nhổn – Ga Hà Nội, dự án Chợ Bến Thành – Suối Tiên, rồi các dự án khác đều có hiện tượng kéo dài, đội vốn giống như Cát Linh – Hà Đông.

Có những dự án đội vốn 200%, vậy các anh tính toán kiểu gì? Chúng tôi là những người làm khoa học kỹ thuật nên chúng tôi biết điều đó. Khi làm dự án gì cũng phải có tỷ lệ của nó, mức trần, mức sàn bao nhiêu. Không thể muốn đội vốn đến bao nhiêu cũng được.

Tôi mong muốn Bộ Giao thông vận tải phải quản lý chặt công tác cán bộ tại các dự án. Người làm dự án phải hiểu biết, thông thạo về chuyên môn, đúng nghề. Nếu như anh làm dự án mà tính toán không chính xác dẫn đến đội vốn thì phải xử lý, cho thôi việc luôn. Đó là cốt lõi. Không thể đưa những người thân hữu vào làm sai rồi vẫn cứ ngồi đó, thăng chức.

Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành khai thác thương mại. - Ảnh: Trần Hải

Lo càng chạy càng lỗ

Theo ông, sau khi vận hành, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có phát huy được hiệu quả không?

Tất nhiên khi đưa vào vận hành thì nó vẫn phát huy được hiệu quả. Tức là chạy tốc độ cao, đúng giờ, năng suất cao và ít gây ô nhiễm môi trường. Nếu nó chạy tốt và cả kết nối với các tuyến khác một cách hợp lý, số hành khách sẽ tăng lên và đó là hiệu quả. Tuy nhiên, đây là tuyến đường sắt đô thị độc đạo cho nên việc kết nối với các tuyến khác cũng không dễ. Tôi cũng rất lo là người dân sẽ đi nhưng tỷ lệ đi sẽ không được cao.

Chính sách của Nhà nước là vẫn trợ giá, có thể mỗi toa có 5 - 10 người thôi nhưng vẫn phải chạy. Nếu tình huống đó xảy ra thì càng chạy sẽ càng lỗ. Chính vì vậy, khả năng khó và có thể rất lâu mới hoàn vốn.

Tuyến này chủ yếu kết nối với xe bus, nếu như theo Hà Nội hứa mỗi ga có sân nhỏ để phương tiện cá nhân, hoặc taxi đỗ thì cũng là tốt. Tôi cũng hy vọng tuyến đường sắt đô thị này được người dân hưởng ứng tham gia phát huy được hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông.

Xin cám ơn ông!

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài là 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Điển đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao.

Tổng mức đầu tư ban đầu phê duyệt (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng, đến năm 2016, 2017 (QĐ 51/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, QĐ 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017) được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).

Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.

Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng – Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh; Tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống là Liên danh tư vấn Apave – Certifer – Tricc (tư vấn ACT).

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, đã trải qua 12 lần “vỡ tiến độ”. Về giá vé khi khai thác thương mại, UBND TP Hà Nội đã thống nhất giá vé tháng 200.000đ/vé/tháng; vé ngày 30.000đ/vé/ngày; vé lượt từ 8.000 - 15.000đ/vé/lượt (tùy theo chiều dài chặng khách đi).

Theo Đời sống
back to top