Đông y điều trị bệnh Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Dù trị liệu Covid-19 theo Đông y hay Tây y đơn thuần hoặc phối hợp, đều phải chẩn đoán bệnh theo y học hiện đại. Trên cơ sở đó, khi điều trị bằng các biện pháp của Đông y cần phân loại thể bệnh sau khi tiến hành tứ chẩn.

Ở Trung Quốc, tiêu chuẩn chẩn đoán Covid-19 Tây y được xây dựng theo 2 nhóm: Ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định (với bốn thể bệnh nhẹ, thông thường, nặng và trầm trọng). Còn theo Đông y, Covid-19 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn quan sát diễn biến bệnh, giai đoạn điều trị lâm sàng (đối với những trường hợp đã được chẩn đoán xác định) và giai đoạn hồi phục.

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng nổi bật bao gồm sốt, ho khan, mệt mỏi, có thể kèm theo tình trạng ăn kém, buồn nôn, đại tiện phân nát hoặc tiêu chảy… chất lưỡi hồng nhạt, rêu nhớt. Khi bệnh tiến triển thì có thêm các biểu hiện như thở gấp, hô hấp khó khăn, thậm chí dẫn đến suy hô hấp. Triệu chứng sốt đa phần là sốt nhẹ hoặc nhiệt độ bình thường, tạng bị tổn hại nhất là phổi, người ra dịch độc còn có thể công kich vào các cơ quan khác, công năng miễn dịch bị tổn thường nghiêm trọng...

Theo kết quả khảo sát trên 1.099 bệnh nhân Covid-19 được chẩn đoán xác định của các nhà y học Trung Quốc, các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt (87,9%), ho (67,7%), ít gặp tiêu chảy (3,7%) và buồn nôn (5%). Triệu chứng lâm sàng lúc khởi phát của 88 bệnh nhân tại Thiên Tân gồm sốt (87,5%), ho (42%), mệt mỏi (26,1%)… Các triệu chứng trong Đông y thường gặp khi nhập viện gồm 5 biểu hiện chính: ăn uống kém (46,7%), tiêu chảy (45,5%), sốt nhẹ (39,8%), giảm tiết mồ hôi (36,4%), ho (34,1%).

Thông qua tứ chẩn, Đông y Trung Quốc đã phân chia các trường hợp đã được chẩn đoán xác định bằng y học hiện đại Covid-19 thành các thể bệnh sau đây:

Thể nhẹ có 2 thể:

Hàn thấp uất phế: Với triệu chứng sốt, mệt mỏi, toàn thân đau nhức, ho, khạc đờm, tức ngực khó thở, ăn uống kém, buồn nôn, nôn, đại tiện nhiều lần trong ngày, chất lưỡi bệu có vết hằn răng, sắc nhạt hoặc hồng, rêu lưỡi dày nhớt hoặc trắng nhớt, mạch hoạt hoặc nhu. Thuốc dùng: Sinh ma hoàng, sinh thạch cao, hạnh nhân, khương hoạt, đình lịch tử, quán chúng, địa long, hoắc hương, bội lan, thương truật, bạch linh, bạch truật, mạch nha, sơn tra, thần khúc, hậu phác, binh lang, thảo quả, sinh khương, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Liều lượng điều chỉnh tùy theo từng người.

Thấp nhiệt uất phế: Với triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, hơi sợ lạnh, mệt mỏi, toàn thân mỏi nặng, đau nhức cơ, ho khan đờm ít, đau rát cổ họng, miệng khô nhưng không khát, hoặc tức ngực, bụng có khối cứng, không mồ hôi, buồn nôn, ăn uống kém, đại tiện phân nát, lưỡi hồng, rêu rắng dày nhớt hoặc vàng mỏng, mạch hoạt hoặc nhu. Thuốc dùng:  Thể Thấp nhiệt uẩn phế dùng bài thuốc gồm binh lang, thảo quả, hậu phác, tri mẫu, hoàng cầm, sài hồ, xích thược, liên kiều, thanhcao, thương truật, đại thanh diệp, sinh cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể thông thường có 2 thể:

Thấp độc uất phế: Với triệu chứng phát sốt, ho ít đờm hoặc đờm vàng, tức ngực khó thở, bụng trướng, đại tiện táo, chất lưỡi ấm đỏ, lưỡi bệu, rêu vàng nhớt hoặc vàng táo, mạch hoạt sác hoặc huyền hoạt. Thuốc dùng: Sinh ma hoàng, hạnh nhân, sinh thạch cao, sinh ý dĩ, thương truật, hoắc hương, thanh cao, hổ trượng, mã tiên thảo, lô căn, đình lịch tử, quất hồng bì, sinh cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Hàn thấp trở phế: Với triệu chứng sốt nhẹ, không sốt cao hoặc chưa phát sốt, ho khan, ít đờm, mệt mỏi, tức ngực, bụng có khối cứng, buồn nôn, đại tiện phân nát, chất lưỡi nhạt hoặc hồng, rêu trắng hoặc trắng nhớt, mạch nhu. Bài Thuốc gồm thương truật, trần bì, hậu phác, hoắc ương, thảo quả, sinh ma hoàng, khương hoạt, sinh khương, binh lang, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể nặng có 2 thể:

Dịch độc bế phế: Với triệu chứng phát sốt, mặt đỏ, đờm vàng ít hoặc trong đờm có máu, khó thở, mệt mỏi, miệng khô đắng dính, buồn nôn, đại tiện táo, tiểu rắt tiểu buốt, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác. Bài thuốc gồm: Sinh ma hoàng, hạnh nhân, sinh thạch cao, cam thảo, hoắc hương, hậu phác, thương truật, thảo quả, bán hạ, bạch linh, sinh đại hoàng, sinh hoàng kỳ, đình lịch tử, xích thược, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Khí dinh lưỡng phản: Với triệu chứng sốt cao phiền khát, khó thở, mê sảng, hoặc nhìn vật mờ mắt, hoặc phát ban, hoặc nôn ra máu, chảy máu, hoặc co rúm tứ chi, lưỡi đỏ thẫm, rêu ít hoặc không có rêu, mạch trầm tế sác hoặc phù đại sác. Bài thuốc gồm sinh thạch cao, tri mẫu, sinh địa, thủy ngưu giác, xích thược, huyền sâm, liên kiều, đan bì, hoàng liên, trúc diệp, đình lịch tử, sinh cam thảo, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Thể trầm trọng (thể nội bế ngoại thoát): Với triệu chứng hô hấp khó khăn, suy hô hấp, cần thông khí cơ học, tiền mê sảng, bức bối, vã mồ hôi, lạnh tứ chi, chất lưỡi ám tím, rêu dày nhớt hoặc dày táo, mạch phù đại vô lực. Thuốc gồm nhân sâm, phụ tử chế, sơn thù uống cùng Tô hợp hương hoàn hoặc An cung ngưu hoàng hoàn.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top