Bệnh lỵ có nhiều nguyên nhân.
*Lỵ thấp nhiệt: Bệnh nhân đau bụng đi ngoài nhiều lần, phân sền sệt, có lẫn máu mũi, người nóng, háo nhiệt, khát nước nhiều, đi tiểu ít, nước tiểu đỏ, hậu môn rát đỏ, chất lưỡi đỏ rêu vàng dày.
Phương pháp chữa trị thanh nhiệt lợi thấp, điều khí, hành huyết, nâng cao thể trạng. Dùng bài gạo nếp 50g, hạt ý dĩ 30g, rau dền răng ngựa. Đông y gọi là vị thuốc mã xỉ hiện. Cho gạo và hạt ý dĩ vo sạch sẽ cho vào nồi ninh thành cháo, khi gần được lấy rau dền rửa sạch thái nhỏ cho vào sau, khi rau chín cháo nhừ, nêm gia vị vừa ăn, ăn trong ngày chia 3 lần.
*Lỵ hàn thấp: bệnh nhân đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân màu trắng đỏ, có khi đỏ ít trắng nhiều. Hoàn toàn là dịch màu trắng, nhầy lẫn mũi. Người mệt mỏi ăn kém ngủ không sâu, tinh thần mệt mỏi, bụng căng chướng ậm ạch, sợ lạnh, sợ gió…
Phương pháp chữa trị ôn trung táo thấp, hành khí tiêu trệ. Dùng bài gạo nếp 30g, gừng tươi 20g, ý dĩ 30g cho gạo nếp và ý dĩ vào ninh thành cháo. Khi bắc ra cho gừng đập nhỏ vào, nêm gia vị vừa đủ ăn trong ngày.
* Lỵ mạn tính: Bệnh nhân lúc đi lúc không, đau bụng thường xuyên mỗi lúc đau lại mót rặn, phân có dịch kèm các niêm mạc ruột, người mệt mỏi, ăn vào là đau nên không muốn ăn, hay lạnh bụng, ăn lạnh lại đau. Phương pháp chữa trị: Ôn trung, kiện tỳ, thanh nhiệt hóa thấp. Bài thuốc gồm gạo nếp 50g, ý dĩ 30g, gừng tươi 10g, táo đỏ 10 quả. Tất cả nấu thành cháo nhừ ăn trong ngày.
*Lỵ do trúng độc: Bệnh nhân đau bụng lâm dâm đau âm ỉ vùng bụng dưới có sốt cao hay khát nước. Trong bụng nóng cồn cào, lỵ này từ nhẹ sang nặng rất nhanh, phân sền sệt lẫn máu. Thần trí hoảng hốt, lo lắng, sợ sệt. Phương pháp chữa trị thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, hành khí khai khiếu tinh thần. Dùng bài thuốc: Cá trích sống 500g, tỏi 2 củ, gia vị mắm muối, tiêu hàng. Cá làm sạch rán qua cho nước nấu thành canh cá. Tỏi bóc vỏ đập dập cho vào sau, nêm gia vị hành thìa là vừa đủ, ăn nóng trong ngày, chữa lỵ do ngộ độc.
Căn cứ vào từng loại bệnh lỵ, có cách điều trị khác nhau.
BS Kim Lan
(nguyên cán bộ Bệnh viện châm cứu TW)