Đơn Dương, Lâm Đồng: Mỏ đá không lắp trạm cân, camera giám sát?!

Theo quy định, các mỏ khai thác đá, cát, sỏi,... phải lắp đặt trạm cân tải trọng, camera giám sát trên lối ra vào để cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Tuy nhiên, tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn tồn tại mỏ đá không lắp trạm cân.

Tồn tại mỏ đá không lắp trạm cân

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng luôn là một trong những vấn đề nóng hổi mà thời gian gần đây người dân liên tục phản ánh tới phóng viên Khoa học & Đời sống (PV). Việc các mỏ khai thác khoáng sản không tuân thủ các quy định về lắp các hệ thống trạm cân, camera giám sát để giám sát tải trọng phương tiện khi vận chuyển khoáng sản ra khỏi các mỏ khai thác làm thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên, thất thu ngân sách nhà nước.

Mỏ đá của Công ty Việt Tân không lắp trạm cân, camera giám sát trên lối ra vào.

Mỏ đá của Công ty Việt Tân không lắp trạm cân, camera giám sát trên lối ra vào.

Theo thông tin nhận được từ bạn đọc, mỏ đá của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng và Khai thác vật Liệu xây dựng Việt Tân (Công ty Việt Tân) tại Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng vẫn còn đang tồn tại việc không phải lắp trạm cân, camera giám sát.

Xe chở đá ra từ mỏ đá của Công ty Việt Tân không qua bất kỳ trạm cân tải trọng nào.

Xe chở đá ra từ mỏ đá của Công ty Việt Tân không qua bất kỳ trạm cân tải trọng nào.

Để có thông tin chính xác, trong các ngày 3 và 4/4, nhóm PV đã có mặt tại địa bàn xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương để ghi nhận thông tin.

Lần theo những chiếc xe tải di chuyển trên tuyến đường liên xã tại xã Ka Đơn và xã Tu Tra, PV tìm vào mỏ đá của Công ty Việt Tân. Tại đây, có 2 dàn máy công suất lớn cùng nhiều phương tiện chuyên dụng phục vụ cho việc khai thác đá. Số lượng xe vào mỏ mua hàng khá nhiều và mua hàng xong thì di chuyển ra khỏi mỏ mà không qua bất kỳ trạm cân nào. Tại lối ra vào duy nhất của mỏ, PV cũng không nhìn thấy trạm cân để thực hiện việc cân tải trọng các xe tải chở đá ra khỏi mỏ.

Xe chở đá từ mỏ đá của Công ty Việt Tân đi ra.

Xe chở đá từ mỏ đá của Công ty Việt Tân đi ra.

Tại khoản 2 Điều 42 Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác hàng tháng khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Đường bê tông liên xã có trọng tải 10 tấn nhưng hàng loạt xe tải 3 chân, 4 chân có trọng tải từ 20 - 30 tấn vẫn lưu thông hàng ngày.

Đường bê tông liên xã có trọng tải 10 tấn nhưng hàng loạt xe tải 3 chân, 4 chân có trọng tải từ 20 - 30 tấn vẫn lưu thông hàng ngày.

Quy định là vậy tuy nhiên đến nay, mỏ đá của Công ty Việt Tân dù đã tồn tại nhiều năm qua, nhưng cho đến nay vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng để không phải lắp trạm cân, camera giám sát?!

Trước thực trạng trên, câu hỏi đặt ra là khối lượng tài nguyên khoáng sản đã khai thác là bao nhiêu, Công ty Việt Tân ghi chép, báo cáo với cơ quan chức năng số lượng tài nguyên khoáng sản như thế nào?

Khói bụi mù mịt mỗi khi xe tải chở đá chạy trên tuyến đường liên xã.

Khói bụi mù mịt mỗi khi xe tải chở đá chạy trên tuyến đường liên xã.

Người dân kêu trời vì xe chở đá lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT

Bên cạnh việc không lắp trạm cân, camera giám sát, theo người dân xã Ka Đơn và xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, xe chở đá từ mỏ đá của Công ty Việt Tân lưu thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã đã diễn ra nhiều năm qua đã gây hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện ổ voi, ổ gà không chỉ gây mất ATGT, mà còn gây bụi bặm vào mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa. Mỗi lần xe tải di chuyển qua lại khiến bụi bay mù mịt, những hàng cây ven hai bên đường dày đặc lớp đất trắng.

Mỗi ngày có hàng chục xe vào lấy đá từ mỏ đá của Công ty Việt Tân.

Mỗi ngày có hàng chục xe vào lấy đá từ mỏ đá của Công ty Việt Tân.

Tuyến đường giao thông liên xã đi từ thôn R’lơm, xã Tu Tra đi qua thôn Ka đơn, xã Ka Đơn có trọng tải 10 tấn bị những đoàn xe ô tô có trọng tải 20 - 30 tấn rầm rập chạy qua nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý.

Đáng chú ý, tại mỏ đá của Công ty Việt Tân có nhiều xe tải có dấu hiệu hết niên hạn sử dụng, không có tem kiểm định, thậm chí có xe rớt biển số mà vẫn ngang nhiên chở đầy đá không phủ bạt chạy trên đường liên xã, có nguy cơ rất cao gây nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông trên đường.

Người dân phải tưới nước hàng ngày cho đỡ bụi.

Người dân phải tưới nước hàng ngày cho đỡ bụi.

Ngoài những hành vi vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, những đoàn xe ô tô quá tải trọng khi chạy qua tuyến đường giao thông liên xã ở đây thường xuyên chạy với vận tốc lớn khiến một số trị trí mặt đường đang có dấu hiệu bị rạn nứt, lún gây khó khăn cho việc đi lại khiến người dân địa phương bức xúc.

Một số người dân ở đây cho biết, hàng ngày có hàng chục chiếc xe chạy qua đây, bụi mù mịt, bám vào cây trồng. Môi trường, không khí ô nhiễm vì bụi bẩn, đường sá bị hư hỏng. Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Người dân phải bơm nước tưới đường cho đỡ bụi.

Xe tải chở đá lưu thông trên đường liên xã có dấu hiệu hết niên hạn sử dụng, không có tem kiểm định.

Xe tải chở đá lưu thông trên đường liên xã có dấu hiệu hết niên hạn sử dụng, không có tem kiểm định.

Ông Đ.V.L., người dân ở xã Ka Đơn cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải đi qua tuyến đường này vào khung giờ cao điểm nên thường xuyên chứng kiến cảnh từng đoàn xe tải 3 chân, 4 chân chở vật liệu xây dựng từ mỏ đá chạy qua đây. Nguy hiểm hơn cả là thời điểm này thường đúng lúc học sinh tan học, các cháu đi trên đường rất đông nhưng xe tải chở đất, đá thì chạy vô tội vạ, rất nguy hiểm...”.

Đường bê tông liên xã bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi vì phải gồng mình gánh chịu từng đoàn xe tải nặng lưu thông hàng ngày.

Đường bê tông liên xã bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi vì phải gồng mình gánh chịu từng đoàn xe tải nặng lưu thông hàng ngày.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay tuyến đường này bắt đầu xuất hiện một số vị trí mặt đường bị bong tróc, rạn nứt do ngày, đêm phải “cõng” xe ô tô trọng tải 20, 30 tấn chạy qua với vận tốc lớn tại tuyến đường có tải trọng dành cho xe dưới 10 tấn. Cùng với đó, việc chạy xe cẩu thả còn làm rơi vãi vật liệu xây dựng xuống mặt đường gây ô nhiễm môi trường.

Xe tải chở đá không phủ bạt lưu thông qua tuyến đường liên xã thuộc xã Tu Tra.

Xe tải chở đá không phủ bạt lưu thông qua tuyến đường liên xã thuộc xã Tu Tra.

Để tài nguyên khoáng sản không thất thoát các tuyến đường dân sinh không bị băm nát bởi những chiếc xe quá khổ quá tải, trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Đơn Dương nói riêng. Và liệu thực trạng này chỉ xảy ra ở mỗi huyện Đơn Dương hay còn có ở những huyện khác?

Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo./.

Một số hình ảnh PV ghi nhận được trên địa bàn huyện Đơn Dương:

Điều 42 Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản

1. Việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 41 Nghị định này là tổng của các khối lượng sau đây:

a) Khoáng sản nguyên khai đã tiêu thụ; đã đưa vào đập, nghiền, sàng hoặc các hoạt động khác để làm giàu khoáng sản;

b) Khoáng sản nguyên khai đang lưu trữ ở các kho chứa nhưng chưa tiêu thụ hoặc chưa vận chuyển ra ngoài khu vực khai thác.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.

3. Định kỳ hàng tháng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu quy định tại Điều 41 Nghị định này để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản để gửi cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.

Theo Đời sống
back to top