Ô nhiễm nghiêm trọng bao phủ nhiều tỉnh, thành
Kể từ ngày 14/9 đến nay, chất lượng không khí đo đạc tại các trạm quan trắc đặt ở Hà Nội và một số địa phương khác luôn ở mức báo động. Ngày 23/9, không khí Hà Nội tiếp tục quay trở lại ngưỡng kém, sau vài ngày được cải thiện. Chỉ số chất lượng không khí đo được vào lúc 16h tại các khu vực AQI là 100 - 140, cụ thể: Bắc Từ Liêm (140), Phạm Văn Đồng (124), Hàng Đậu (120), Thành Công (114) và Trung Hòa - Cầu Giấy (109). Ngày 24/9, chỉ số AQI ở Nhổn là 156, Công viên Hòa Bình 146, chùa Trấn Quốc 149, Nhà Hát Lớn 112, Thiên Đường Bảo Sơn 104, Mai Dịch 106… Nồng độ trung bình là 114, thuộc ngưỡng kém, nhóm nhạy cảm (như người già, trẻ em) cần hạn chế ra ngoài.
Không chỉ có Hà Nội, những ngày qua tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chỉ số AQI đo được cũng tăng khá cao, luôn ở mức 150 trở lên. Trong đó ngày 20/9, chất lượng không khí tại một số huyện của tỉnh Thái Bình ở mức cao, như Thái Thụy (173), Đông Hưng (165), TP Thái Bình (167). Tại Hải Phòng, một số nơi như Kiến An, Hải An chỉ số AQI lần lượt 168;155, Bắc Ninh (155), Nam Định (123)… Một số điểm đo ở Bắc Trung Bộ có thời điểm còn ô nhiễm hơn, chẳng hạn như vào 20h ngày 23/9, điểm đo ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) ô nhiễm không khí còn lên tới AQI 227, mức ô nhiễm xấu, rất ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Khoa học môi trường và Bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít hơn Hà Nội, nhưng do đặc thù thời tiết và nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng ô nhiễm chung. Nếu thời tiết thuận lợi thì lượng khí thải cũng dễ phát tán và bay đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Ngược lại, nếu thời tiết xấu, khí thải lơ lửng không thoát đi được dẫn đến chỉ số AQI luôn ở mức cao. Còn lần này, ô nhiễm bao trùm khắp Bắc Bộ chủ yếu do đốt rơm rạ.
Đốt rơm rạ dẫn đến phát thải một lượng lớn bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như Carbon, Sunphua, Nito và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Loại bụi kích thước siêu nhỏ này có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Đây được coi là sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí.
Con người đang phá hoại bầu không khí của mình
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khẳng định, ô nhiễm không khí ở Hà Nội không thể đổ cho thời tiết mà chính do con người. Ở Hà Nội hiện nay, giao thông quá đông đúc, các công trình đang xây dựng quá nhiều nên lượng bụi rất lớn. Hà Nội phải kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, vấn đề này phải có biện pháp đồng bộ và phải làm ngay. Cộng với nó là việc đốt rơm rạ ở ngoại thành.
Đáng nói là lượng bụi này không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị. Theo GS Hoàng Xuân Cơ, miền Bắc đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến.
TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia phân tích, những ngày gần đây ô nhiễm không khí có rất nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất là nguồn gây ô nhiễm. Môi trường cũng có tác động bao gồm nhiều yếu tố như gió, độ ẩm cuối cùng mới là nhiệt độ. Ô nhiễm không khí những ngày qua có thể một phần do nghịch nhiệt. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ không khí càng cao (ngược với quy luật thông thường là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Nhưng quan trọng hơn cả là do các hoạt động của con người tạo nên.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần phải hiểu, thời tiết là tác nhân làm cho bụi, ô nhiễm không phát tán được, khiến ô nhiễm nghiêm trọng hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây ô nhiễm. Để giảm ô nhiễm, cần nghiên cứu, đưa những kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng… để giảm phát sinh bụi. Ngoài ra, ở các vùng ven Hà Nội, người dân có thói quen đốt rơm rạ, chính quyền phải có cách để xóa bỏ tình trạng này. Số lượng cây xanh ở Hà Nội hiện nay là chưa đủ, cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để điều hòa không khí.
Ô nhiễm kéo dài, Hà Nội tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc không khí
Nhận được Thư đề nghị của Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Hà Nội, để tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng không khí cho TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do GIZ hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hiệu chỉnh dữ liệu 18 thiết bị cảm biến theo các trạm quan trắc cố định của TP Hà Nội đảm bảo dữ liệu chính xác; công bố dữ liệu chất lượng không khí của các trạm cảm biến trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng điện thoại thông minh, các bảng thông tin điện tử tại các trụ sở, khu vực công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sau khi các thiết bị đã hoạt động ổn định.
Ngày 23/9, Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM) đã có kết luận và trưng ra những bằng chứng cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TPHCM. Cụ thể, từ ngày 18/9 kéo dài 22/9, ô nhiễm không khí đã xảy ra tại TPHCM và các tỉnh phía Nam Việt Nam. Nguyên nhân chính được xác định liên quan đến vụ cháy rừng ở Indonesia. Tác nhân phụ là do độ ẩm trong không khí tăng cao và khói thải của các nhà máy, KCN và phương tiện giao thông. Trong khi đó, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, những ngày qua hội tụ yếu tố mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao cùng với không khí lạnh từ Bắc đổ xuống gây ra sương mù. Còn việc đâu là mù khô hoặc ô nhiễm hay không phải chờ kết quả chính thức từ Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM.