Doanh nghiệp thép lãi đậm, tích cực "găm hàng"

(khoahocdoisong.vn) - Giá quặng thép và giá thép toàn cầu đang tăng cao kỷ lục. Thị trường nội địa cũng chứng kiến giá thép “nóng” lên từng ngày. Xây dựng, chế tạo cơ khí, bất động sản theo đó mà gặp khó, nhưng các doanh nghiệp thép được hưởng lợi lớn.

Giá thép tăng phi mã, nhưng không thiếu thép

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), riêng tháng 3/2021, lượng thép các loại được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu đạt 2.883 tấn, tăng 59% so với tháng 2/2021 và tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 626 tấn, tăng 16,05% so với tháng trước và tăng 48,2% so với cùng kỳ tháng 3/2020.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép các loại đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34% so với quý 1/2020. Doanh số bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thép các loại đạt 1,6 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chia sẻ của ông Vũ Hồng Vinh đang xây nhà ở tại Kim Mã (Hà Nội), cuối năm 2020, ông Vinh mua thép D18 giá 270.000đ/cây, nhưng hiện tại giá thép đã leo lên 409.000đ/cây. Thép D6 vào thời điểm ông Vinh mới khởi công là 12,6 triệu đồng/tấn, đến nay đã lên tới gần 17 triệu đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT.

Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh sắt, thép trên đường La Thành (Hà Nội), nhiều tiểu thương cho biết, hiện nay, sắt thép xây dựng không hề khan hàng, nhưng giá cả lại tăng chóng mặt đến 45 - 50% so với cùng thời điểm năm ngoái và không có dấu hiệu dừng lại.

Trong nửa đầu tháng 5/2021, một loạt thương hiệu thép đã có thông báo thay đổi giá thép xây dựng.

Tập đoàn Hòa Phát đã có điều chỉnh giá sản phẩm thép cây và thép cuộn các loại đều tăng 500.000đ/tấn (chưa bao gồm VAT) từ ngày 12/5/2021.

Tập đoàn Hoa Sen cũng thông báo tăng giá thép dây mạ, ống thép mạ kẽm 500đ/kg; Ống kẽm nhúng nóng, ống thép đen tăng giá 1.000đ/kg kể từ ngày 16/5/2021.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch VSA, giá thép tăng không phải do nguồn cung khan hiếm mà do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện… cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến logistic bị ảnh hưởng, thời gian giao hàng kéo dài cũng đẩy giá thép tăng mạnh.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), do nhu cầu phát triển trở lại sau đại dịch Covid-19 cùng với sự gia tăng sản lượng của Trung Quốc, đặc biệt là sản xuất phế liệu bằng lò điện hồ quang, một số nước gia tăng giải ngân vốn đầu tư công tập trung vào các dự án xây dựng trọng điểm để khơi thông nền kinh tế... là những nguyên nhân đẩy nhu cầu thép xây dựng leo thang trên thế giới.

Đại diện VSA cũng cho rằng, với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác, dự báo giá thép vẫn còn tiếp tục “tăng nóng” cho tới hết quý 3/2021.

Doanh nghiệp thép lãi đậm, tích cực "găm hàng"

Giá thép tăng không ngừng khiến các nhà thầu xây dựng lao đao. Thị trường bất động sản theo đó cũng bị đẩy giá lên, người mua nhà sẽ là đối tượng bị chịu thiệt nhiều nhất.

Được hưởng lợi nhiều nhất chỉ có các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép. Thuận lợi kép từ tăng giá bán và tăng doanh thu đã đem về khoản doanh thu khổng lồ cho các doanh nghiệp thép trong nước. Thị trường còn chưa hết bất ngờ với khối lợi nhuận khổng lồ ngay trong năm Covid-19 hoành hành 2020, sang đầu năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp thép tiếp tục báo lãi lớn.

Một số doanh nghiệp, công ty thép quy mô nhỏ và các doanh nghiệp thép thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (Vinasteel) không những không thua lỗ như các kỳ trước mà còn báo lãi hàng chục tỷ đồng, ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.

Tuy nhiên, thị phần thép Việt Nam có sự phân hóa rõ rệt giữa những Tập đoàn, doanh nghiệp lớn với các công ty nhỏ lẻ, công ty thép thuộc Nhà nước. Khoảng cách chênh lệch giữa những doanh nghiệp thép này quá lớn. Thậm chí, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát còn cao hơn tất cả doanh nghiệp cùng ngành cộng lại.

Trong quý 1/2021, Hòa Phát báo lãi trước thuế 7.690 tỷ đồng, tăng trưởng 189,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 4/2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 869.000 tấn sản phẩm thép các loại, tăng 65% so với cùng kỳ.

Lũy kế 4 tháng, Hòa Phát đã bán ra 2,7 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng thành phẩm và HRC. Riêng thép xây dựng đạt 1,28 triệu tấn, tăng 28%, trong đó thành phẩm xuất khẩu là 220.000 tấn, tăng hơn 42%.

Tại Tập đoàn Hoa Sen, sản lượng tiêu thụ tháng 3/2021 đạt 214.036 tấn; doanh thu, lợi nhuận lần lượt đạt 4.522 tỷ đồng và 501 tỷ đồng; tăng 40% và 217% so với tháng liền kề trước đó. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hoa Sen báo lãi trước thuế 1.126 tỷ đồng, tăng 415% so với cùng kỳ.

Các công ty sản xuất thép trực thuộc Vinasteel, ngoại trừ CTCP Thép tấm Miền Nam và Công ty TNHH Thép VSC-POSCO đã giải thể mới đây, đều ghi nhận kết quả kinh doanh tốt, đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vinasteel trong quý 1/2021 đạt 454 tỷ đồng, tăng 773% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Đầu tư thương mại SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.070 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 262 tỷ đồng, cao gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 70% kế hoạch cả năm 2021.

Lợi nhuận trước thuế của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên cũng tăng đột biến, cao gấp 35,5 lần so với quý 1/2020, từ lãi 4 tỷ đồng tăng lên lãi 142 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1/2020, CTCP Thép Pomina bất ngờ báo lãi 80,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 56 tỷ đồng.

Tương tự, thép Việt Ý (VISCO) cũng lãi 13 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm (quý 1/2020 lỗ 42 tỷ đồng).

Hầu hết những doanh nghiệp này đã tận dụng được lượng hàng tồn kho trước đó nên giá vốn không bị tăng nhiều, đưa lợi nhuận gộp tăng trưởng gấp đôi.

Đáng chú ý, thời gian qua, các doanh nghiệp thép dù lớn hay nhỏ đều gia tăng đáng kể lượng hàng tồn kho 5 - 10% so với thời điểm đầu năm, thậm chí Hoa Sen còn tăng 2.218 tỷ đồng hàng tồn kho (tương đương tăng 73%). Thép Tiến Lên tăng 26% lượng hàng trong kho. Lượng hàng tồn kho của Hòa Phát cũng tăng khá, chiếm tới 44% tài sản ngắn hạn của công ty.

Lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tăng đột biến trong quý 1/2021.

Lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tăng đột biến trong quý 1/2021.

Tích trữ hàng trong kho tại thời điểm giá thép liên tục tăng có thể là con dao hai lưỡi, một mặt giúp doanh nghiệp tiết kiệm giá vốn trong các tháng về sau, nhưng cũng rất rủi ro khi thị trường đảo chiều. Bởi thực tế, giá thép và quặng sắt trên thế giới hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc, có nghĩa, Trung Quốc đang nắm thế điều chỉnh giá thép thế giới. 

Thực tế, dù mức tăng trưởng lợi nhuận khủng, nhưng các doanh nghiệp thép nhỏ còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp đầu ngành, những rủi ro bảo hộ thương mại tại quốc gia xuất khẩu, cũng như biến động giá nguyên liệu và tỷ giá trong trung và dài hạn.

Chưa kể, khoản nợ của các doanh nghiệp thép dày thêm đáng kể, chủ yếu tăng từ vay nợ ngân hàng. Do đó, chi phí trả lãi của các doanh nghiệp khá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai.

Theo Đời sống
Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Từ 15h ngày 24/10, giá xăng giảm nhẹ

Chiều 24/10, liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng được điều chỉnh giảm nhẹ từ 38 - 68 đồng/lít, trong khi giá các loại dầu tăng giảm tùy loại, nhưng mức biến động cũng không đáng kể.
back to top