Dinh dưỡng bồi bổ, phục hồi khi mắc cúm

Khi mắc cúm năng lượng bị tiêu hao nên cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách.

Tăng dinh dưỡng có sức đề kháng

Khi mắc cúm người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, đau nhức cơ thể, chán ăn, ăn không ngon miệng và cảm giác gần như kiệt sức. Tình trạng thiếu dinh dưỡng làm tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian hồi phục, tăng chi phí điều trị. Vì vậy, hầu hết người bệnh cúm đều tăng nhu cầu dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, ngăn ngừa biến chứng và hỗ trợ hồi phục sức khỏe nhanh nhất.

Các loại cháo, súp: Món ăn này cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đạm và các vitamin từ rau củ quả… không chỉ dễ ăn mà còn giúp khôi phục thể trạng sức khỏe rất tốt.

Đặc biệt, cháo, súp cung cấp các chất dinh dưỡng giúp các tế bào bạch cầu chống lại sự hoạt động của virus và vi khuẩn hiệu quả hơn. Có thể uống sữa không đường, cháo giải cảm (gạo, đậu xanh, cá, lươn, hoặc tôm khô nấu nhừ thêm nhiều hành củ giã nát). Ăn nóng. Lưu ý không dùng nhiều gạo và đậu xanh để cháo được loãng

Các loại thực phẩm giàu kẽm: Kẽm là vi chất mà cơ thể rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu. Khi bị cúm, việc tăng cường bổ sung các thủy hải sản có vỏ giàu kẽm như thịt, cá, tôm, sò, hàu, trứng, sữa… rất cần thiết, vì đây là thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch, sức khỏe sớm phục hồi, duy trì vị giác và khứu giác, nâng cao thể trạng. Kẽm tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, nếu thiếu kẽm thì rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp, đường tiêu hóa do sức đề kháng bị suy giảm.

Rau xanh: Các loại rau xanh cũng là thực phẩm mà người mắc bệnh cúm nên ăn. Cải bó xôi (rau chân vịt), cải xoăn và các loại rau lá xanh khác nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả, bởi rau xanh không chỉ giàu vitamin C, E mà còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene. Đây đều là những chất có tác dụng tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt sức đề kháng của da – lớp “áo giáp” đặc biệt của cơ thể chống lại các tác nhân gây hạn, đặc biệt là virus gây bệnh.

Sinh tố A có vai trò quan trọng giúp tăng chức năng của hệ miễn dịch cơ thể. Nếu hàng ngày ít ăn các rau lá, củ quả có màu đỏ, cam, vàng thì khi bị cúm nên uống mỗi ngày 1 - 4 viên vitamin A 5.000 đơn vị quốc tế (UI).

Bổ sung các gia vị có chất chống oxy hóa cao như gừng tươi, tỏi, hành lá, tía tô... là những gia vị chứa chất chống oxy hóa cao. Các gia vị trên chứa chất kháng khuẩn, kháng virus, giúp trị cảm cúm hiệu quả và giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.

Uống nhiều nước - Bổ sung đồ uống chứa chất điện giải: Giữ nước trong cơ thể là điều quan trọng khi bạn bị cảm cúm, nhất là khi đang sốt hoặc đổ mồ hôi. Vì vậy, uống đủ nước là giải pháp đơn giản để cải thiện tình trạng bệnh. Theo khuyến cáo, mỗi ngày bạn nên uống khoảng 2,5 - 3 lít khi đang bị bệnh. Tốt nhất là bổ sung đồ uống có chứa chất điện giải hoặc uống nước dừa trong ngày sẽ đảm bảo việc bổ sung natri, kali cũng như lượng chất lỏng cần thiết trong ngày. Cách pha nước điện giải: Nước cốt cam 1/4 cốc, 2 thìa cà phê gạt đường cát hoặc mật ong, 1 chút muối ăn (1/4 thìa cà phê gạt bằng), thêm nước đun sôi đổ đầy cốc. Tối thiểu dùng 4 cốc/ngày.

Lưu ý: Không dùng nước cam đậm đặc hoặc nhiều đường, mật ong để không làm giảm khả năng giết siêu vi, vi khuẩn của bạch cầu; Hoặc “dịch uống trị tiêu chảy” (oresol, ORS) 1 gói pha với 1 lít nước đun sôi để nguội thêm nước cam vắt (theo tỷ lệ nêu trên) cho bệnh nhân uống liên tục từng ít một.

Món ăn - Bài thuốc

Cháo hành: Hành tăm cả rễ 20g (nếu không có thay bằng hành ăn), gừng tươi 10g, gạo nếp 50g (nếu không có dùng gạo tẻ thay thế). Hành và gừng rửa sạch, giã nhỏ để sẵn. Đem gạo nếp ninh thành cháo, khi được bỏ hành và gừng vào quấy đều, múc ra một bát, ăn lúc đang nóng, ăn xong trùm chăn làm cho vã mồ hôi, khi mồ hôi ra đều thì bỏ chăn ra, lau khô thân mình, hết sức chắn gió.

Cháo bạc hà tươi: Bạc hà tươi 30g (nếu khô 10g), gạo tẻ 60g, đường phèn vừa đủ. Bạc hà sắc 5 phút, bỏ bã lấy nước. Cho gạo đãi sạch vào nồi đun thành cháo, khi chín đỏ nước sắc bạc hà vào, đun một lát là được, chế thêm đường phèn chia ăn 2 lần/ngày.

Cháo đậu xanh: Đậu xanh 50g, gạo tẻ 10g, đường phèn lượng vừa đủ. Đem đậu xanh và gạo ninh thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải thử.

Canh trứng vịt nấu gừng: Gừng tươi bỏ vỏ 50g, trứng vịt 2 quả, rượu trắng 20ml. Gừng thái chỉ đem đun sôi với 200ml nước, tiếp đó đập trứng vịt vào, quấy đều, đổ rượu vào chế thêm gia vị vừa đủ, ăn nóng.

Khi bị cúm người bệnh cần nghỉ ngơi, không làm việc quá sức sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, căng thẳng và bệnh diễn tiến nặng hơn. Thay vào đó, cần ngủ đủ giấc, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, không thức quá khuya, không nên suy nghĩ quá nhiều, không để tinh thần căng thẳng, stress…

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top