Ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng thứ hai tại Việt Nam về số ca mắc mới mỗi năm, hiện nay điều trị ung thư phổi đã có nhiều tiến bộ theo hướng cá thể hóa, như xét nghiệm tìm đột biết gen EGFR. Trong quần thể bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỉ lệ khối u có đột biến gen EGFR lên đến gần 50% và các bệnh nhân này có tỷ lệ đáp ứng điều trị khác biệt rõ rệt với các thuốc nhóm TKI so với hóa trị liệu thường quy hiện nay.
Vừa qua Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã phối hợp cùng văn phòng đại diện AstraZeneca tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ các tiến bộ mới nhất trong điều trị Ung thư Phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến hoạt hóa thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGFR).
GS.TS.BS Trần Văn Thuấn, GĐ Bệnh viện K cho biết, nghiên cứu FLAURA cho thấy hiệu quả khác biệt của giáp pháp điều trị dùng thuốc ức chế TKI thế hệ thứ 3 đối với bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến gen EGFR, giúp người bệnh kéo dài thời gian sống, bệnh không tiến triển một cách rõ rệt bên cạnh các thuận lợi khác trong quá trình điều trị. Loại thuốc điều trị mới này đã được phê duyệt rộng rãi trên toàn cầu và mới được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt để điều trị bước một cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn có đột biến hoạt hóa thụ thể yếu tố phát triển biểu bì (EGFR).