Tính đến sáng 3/4, tại ổ dịch Bạch Mai đã ghi nhận 42 ca bệnh, bao gồm 3 chùm ca bệnh tại nhà ăn bệnh viện (nhân viên Công ty Trường Sinh và thân nhân bệnh nhân sử dụng dịch vụ tại nhà ăn, 27 ca), Khoa Thần kinh (9 ca), Trung tâm Bệnh Nhiệt đới và C4 Viện Tim mạch Quốc gia (5 ca, bao gồm nhân viên y tế, thân nhân và bệnh nhân). Nhưng hiện chưa tìm thấy nguồn lây cho tất cả 3 chùm ca bệnh này, dù Bộ Y tế có giả thiết rằng, các nguồn lây từ thân nhân bệnh nhân (vào thăm bệnh nhân tại Khoa Thần kinh), bộ phận cung cấp hậu cần cho bệnh viện (nhà ăn) và người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp.
Theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), trong giai đoạn này chúng ta cần nghiên cứ dịch tễ học để đánh giá đỉnh dịch Covid-19 ở Việt Nam ở phía trước hay phía sau?
Việc đánh giá này không quá khó khăn, nếu có các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, nhất là nghiên cứu sử dụng test phát hiện kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch.
Tỷ lệ có kháng thể lên tới 50% dân số nghiên cứu, chắc chắn đỉnh dịch đã ở phía sau! Nhưng nếu tỷ lệ đó lại chỉ ở mức thấp, chẳng hạn dưới 10%, thì chắc chắn đỉnh dịch đang còn ở phía trước. Cần khẩn cấp thiết lập nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực đi kèm nghiên cứu chống khủng hoảng xã hội.
Mặt khác, Covid-19 do loại virus mới gây ra. Sự can thiệp quyết liệt phòng chống dịch làm “thay đổi” diễn biến lan truyền tự nhiên loại hình dịch bệnh, khiến thực tế có thể là “vài đỉnh”, với thời gian hình thành và quy mô khác nhau, đỉnh sau có thể cao to hơn đỉnh trước...
Bởi thế, tình huống đỉnh dịch đang ở phía trước càng đòi hỏi phải thiết lập ngay các nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng chuẩn mực cho mục tiêu dự báo, tiên lượng đỉnh dịch. Và còn hơn thế, phải đồng bộ với các phương án dẫn đường để chống khủng hoảng hệ thống dịch vụ y tế, hoặc lớn hơn, khủng hoảng kinh tế -xã hội toàn diện và sâu sắc.
Thúy Nga