Trước tình hình thay đổi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cho rằng, TPHCM và TP Thủ Đức là 2 đô thị quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và cần thiết điều chỉnh quy hoạch kịp thời về việc xây dựng các dự án, cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, TPHCM cần làm rõ 4 nhóm vấn đề: Một là, vai trò, vị thế và tính chất của thành phố trong vùng TPHCM; chiến lược mới phát triển kinh tế - xã hội như phát triển đô thị thông minh trên cơ sở chuyển đổi số; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm tài chính quốc tế. Hai là, sự hình thành của các dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia có tác động đến không gian đô thị thời gian qua. Ba là, các định hướng theo Quyết định 24/QĐ-TTg cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Bốn là, tác động đến phát triển không gian đô thị, cần có giải pháp thích ứng phù hợp trong thời kỳ mới.
Còn đối với TP Thủ Đức, cần làm rõ thêm các đặc điểm chủ yếu gồm: Các quy hoạch và dự án đang triển khai; các vấn đề hạn chế vướng mắc trong triển khai thực hiện theo các quy hoạch đã được duyệt; lợi thế và thách thức khi chuyển đổi vai trò là khu đô thị phía Đông TPHCM - TP Thủ Đức, phải nêu được tính kết nối và phân chia chức năng với khu đô thị trung tâm TPHCM và các khu vực khác.
Cần phân tích tình hình khai thác điều kiện tự nhiên sông nước TP Thủ Đức để định hướng quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, TPHCM được xem là cầu nối gắn kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giúp Đồng bằng sông Cửu Long thông thương, giao lưu, kết hợp kinh tế, văn hóa… với khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, với thị trường trong nước và cả quốc tế. Do đó, quy hoạch TPHCM cần cân nhắc tới tính liên kết và kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra tính liên kết vùng chặt chẽ, hướng tới sự phát triển bền vững lâu dài cho cả thành phố và miền Tây.