Điều chỉnh luật trước, Hợp tác xã mới có cơ phát triển

(khoahocdoisong.vn) - Từ khi ra đời đến nay, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đã thể hiện được vai trò của mình trong việc đưa hệ thống kinh tế hợp tác, HTX phát triển cả về chất và lượng. Nhưng Luật HTX 2012 cũng bộc lộ nhiều yếu điểm cần sửa đổi.

Có luật, HTX hoạt động tốt lên thấy rõ

Thời gian qua,trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, khu vực HTX vẫn hoạt động ổn định và từng bước phát triển, tăng dần trong từng năm. Kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế xã hội. 

Tính đến hết tháng 9/2019, cả nước có 23.905 HTX, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 HTX đang hoạt động, 1.256 ngừng hoạt động. Ngoài ra là 1180 quỹ tín dụng nhân dân, 76 Liên hiệp HTX và hơn 114.000 tổ hợp tác (THT). 

Tổng vốn điều lệ của các HTX là 32.000 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX có quy mô vốn khá nhỏ, chừng 1,3 tỷ đồng. Tổng tài sản các HTX cả nước đạt 171.000 tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/HTX, trong đó Quỹ dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/quỹ. Doanh thu bình quân HTX 4,2 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 305 triệu đồng/năm. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 45 triệu đồng/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, thực tiễn đã chứng minh kinh tế HTX luôn có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước nói chung. Đặc biệt, từ khi Luật HTX 2012 ra đời đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới, hạt nhân là hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp cơ chế thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Luật HTX 2012 có 6 chính sách hỗ trợ ứng dụng KHCN, tiếp cận vốn, quỹ hỗ trợ phát triển HTX, ứng dụng KHCN... Ngoài ra có 2 chính sách ưu đãi, đó là thuế thu nhập DN và lệ phí đăng ký HTX... Riêng với Liên hiệp HTX, ngoài hưởng những ưu đãi như trên còn hưởng 5 ưu đãi khác: tín dụng, vốn, giống, chế biến sản phẩm...  Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành chính sách riêng phù hợp với khả năng và tình hình của các địa phương...

Sau 6 năm thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, đến nay, hệ thống HTX cơ bản thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Có 57% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 50-80% HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Các HTX không hiệu quả hoặc ngừng hoạt động phần lớn là do tàn tích của hệ thống HTX cũ để lại.

Thậm chí đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, xu hướng liên kết đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ngày càng nhiều... 

Bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế như tốc độ phát triển còn chậm, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm pháp luật. Hiệu quả thấp, vai trò của HTX chưa được phát huy...

Điển hình là số lượng các HTX ngày càng tăng, nhưng đóng góp vào nền kinh tế lại giảm. Năm 2013 có hơn 14.000 HTX đóng góp 7,49% GDP, đến nay có hơn 22.000 HTX nhưng chỉ đóng góp 4% GDP. Nguyên nhân là do các thành phần kinh tế khác đều tăng trưởng mạnh ở số tuyệt đối và tương đối, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, dịch vụ….

Bối rối từ tên gọi

Dẫu thế, thực tế cho thấy không thể phủ nhận rằng đang có độ trễ trong phát triển kinh tế hợp tác. Hiện phần nhiều các HTX hoạt động đều gặp những khó khăn chung về vốn, đất đai, nhân lực và một số vấn đề phân biệt về tài sản.

Chẳng hạn, điều 17 Luật HTX 2012 quy định thành viên góp vốn theo thỏa thuận nhưng không vượt quá 20% vốn điều lệ của HTX. Nhưng hiện nay, thành viên các HTX – nhất là thành viên chủ chốt của các HTX thành lập sau Luật HTX 2012 - đều có nhu cầu góp vốn cao hơn mức 20%. 

Hay như các chế độ ưu đãi về thuế thu nhập với HTX, hiện đang phân biệt HTX có quy mô, doanh thu, để có mức độ ưu đãi. Điều này đang tạo bất cập khi các HTX kiểu cũ thường là các HTX toàn làng, xã có quy mô lớn, hoạt động thiếu hiệu quả lại được ưu đãi hơn các HTX thành lập sau có quy mô nhỏ gọn, linh động và hiệu quả.

Các chế độ ưu đãi về đất đai, nhất là bố trí đất để các HTX xây dựng trụ sở, nơi sản xuất kinh doanh. Hiện nhiều HTX có nhu cầu thuê đất, mua đất để làm trụ sở nhưng không có cơ chế đặc thù ưu đãi nên hồ sơ thường kéo dài, khó thực hiện.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên quy định giảm 50% tiền thuê đất hàng năm cho tất cả các HTX nông nghiệp bất kể là dự án thuê đất mới hay là đất đã được giao thời điểm nào trong suốt quá trình sử dụng thay vì những dự án mới và  quy định chỉ được giảm đến năm 2020 như hiện nay….

Ngoài ra là các vấn đề như chế độ thông tin, báo cáo, xây dựng chương trình phát triển kinh tế xã hội, các mô hình điểm, nhân rộng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chính sách thu hút hỗ trợ đầu tư, tăng cường vai trò lãnh đạo các đơn vị, mặt trận vào phát triển HTX. 

Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, Luật HTX 2012 ra đời đã giúp hệ thống kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực, nhưng đã đến lúc cần rà soát, đánh giá lại thể chế, luật pháp đối với kinh tế hợp tác, nghiên cứu bổ sung điều chỉnh cả THT; vấn đề xử lý tài sản không chia; trách nhiệm phát triển HTX của các thành viên và của doanh nghiệp; kiểm toán HTX; đào tạo nguồn nhân lực quản trị HTX...

Hiện HTX chỉ là một trong số nhiều loại hình khác nhau của KTTT, nhưng các loại hình này lại chỉ điều chỉnh trong một luật. Mặt khác, từng lĩnh vực KTHT cũng chưa có quy định rõ ràng về tổ chức hoạt động. Cho nên nhiều HTX hiện nay hoạt động như một doanh nghiệp - Phó Thủ tướng nhận định.

“Luật HTX 2012 đã có nhiều tiến bộ so với Luật HTX 2003, Nhưng sắp tới sửa Luật sẽ có phạm vi điều chỉnh sẽ như thế nào? Kinh tế tập thể hiện nay bao gồm cả HTX, THT, nhưng mới chỉ có Luật HTX chứ chưa có Luật Kinh tế hợp tác, chưa có luật cho tổ hợp tác. Phải chăng nên có Luật KTTT để mở rộng phạm vi điều chỉnh?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top