Điểm vụ chó nhà bỗng nhiên "nổi điên" cắn người

Trước vụ việc người phụ nữ 38 tuổi ở Vĩnh Phúc bị chó nhà cắn dẫn đến tử vong, đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra trên nhiều địa phương của cả nước.

Chủ quan khi bị chó nhà cắn, một phụ nữ ở Điện Biên tử vong do bệnh dại

Chị G.T.N. (trú tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) tử vong vào ngày 16/04/2023 sau 2 tháng bị chính chó nuôi của gia đình cắn. Trước đó, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, chị N. đã được cơ sở y tế chẩn đoán mắc bệnh dại.

Theo lời kể của người thân, khoảng 2 tháng trước, chị N. bị chó của gia đình nuôi cắn vào bắp đùi chân trái. Sau khi bị cắn, dù được cán bộ xã tư vấn tiêm phòng dại, nhưng chị N. không tiêm vaccine phòng dại.

Suốt thời gian sau đó, chị N. vẫn sinh hoạt và đi làm bình thường. Đến ngày 14/04, khi thấy đau mỏi lưng, vận động khó khăn, chị được người thân đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa thăm khám. Sau đó, do bệnh nặng, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán mắc bệnh dại, đến ngày 16/04 thì tử vong.

Tử vong do bị chó dại cắn ở Phú Yên

Chiều ngày 16/03/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên xác nhận, một trường hợp tử vong do bị chó dại cắn là ông L.X.D. (SN 1978 ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa).

Được biết, khoảng đầu tháng 12/2022, bệnh nhân bị chó nuôi tại nhà cắn ở ngón tay, nhưng chỉ sát khuẩn bằng thuốc đỏ, không đến cơ sở y tế điều trị, trong khi chó chưa được tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 09/03, bệnh nhân có triệu chứng sốt, mệt mỏi, được người nhà đưa đi khám, nhập viện ngày 11/03 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên và được chẩn đoán bị bệnh dại.

Hai ngày sau, bệnh nhân có triệu chứng chướng bụng, lơ mơ không tỉnh táo, yếu tay chân, chảy nước dãi, không ăn uống được và đến sáng 14/03 thì tử vong tại nhà.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên xác định, có 8 người khác tiếp xúc gần với bệnh nhân D. Các khu vực cần thiết đã được xử lý hóa chất; đàn chó, mèo của người dân xã Hòa Đồng cũng được tiêm phòng bệnh dại và khuyến cáo không thả rông ra đường.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Cô gái tử vong vì bệnh dại sau 18 tháng bị chó nhà cắn

Một cô gái 23 tuổi, người dân tộc H’Mông trú tại thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trước thời điểm tử vong khoảng 18 tháng đã bị chó của gia đình cắn vào ngón trỏ tay trái có chảy máu, 3 ngày sau khi cắn cô gái, con chó đó chết.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không tiêm vaccine, huyết thanh phòng dại.

Sau đó bệnh nhân đi làm tại Hà Nội đến tháng 01/2023 bệnh nhân có biểu hiện bệnh và đi khám ở bệnh viện tư nhân và được chuyển vào bệnh viện Nhiệt đới Trung ương với các biểu hiện của bệnh: Mệt mỏi, khó chịu, khó thở, co giật, xuất tiết đờm dãi nhiều. Vào ngày 17/01/2023 bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu nước bọt và dịch não tuỷ để xét nghiệm, kết quả xác định dương tính với virus dại.

Chủ quan sau khi bị chó cắn, người phụ nữ tử vong vì bệnh dại ở Quảng Bình

Giữa tháng 8/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, trên địa bàn xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy ghi nhận một trường hợp tử vong sau khi bị chó dại cắn.

Nạn nhân là chị H.T.T. (SN 1987), trú xã Lâm Thủy. Chị T. được Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới chẩn đoán bị bệnh dại, trả về ngày 14/8/2022 và đã tử vong cùng ngày.

Theo lời kể của gia đình nạn nhân, trước đó khoảng 3 tháng, chị T. bị chó nhà cắn, nhưng không xử lý vết thương, không tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trong vòng 3 tháng sau đó, chị T. sống khỏe và không có biểu hiện gì bất thường.

Tuy nhiên, sau đó, chị T. thấy mệt mỏi, có dấu hiệu nhức đầu, sốt, đau bụng nên gia đình đưa đến bệnh viện, tuy nhiên nạn nhân không qua khỏi.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Hàng năm căn bệnh này gây ra cái chết cho 60.000 – 70.000 người và hàng triệu loài động vật. Dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm khi phát bệnh, 100% cả người bị cắn và vật cắn đều tử vong. Bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó.

Để phòng bệnh dại, Ngành Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhà có nuôi chó, mèo cần phải tiêm vaccine ngừa dại cho vật nuôi đầy đủ; cần rọ mõm và không thả rông chó, mèo để đề phòng bị chó, mèo cắn.

Khi bị chó, mèo cắn, người dân không được tự ý dùng thuốc nam và không tự chữa tại nhà, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và tiêm vaccine ngừa dại, đồng thời theo dõi và tiến hành cách ly tất cả các con vật mắc bệnh, nghi nhiễm dại.

Theo Đời sống
back to top