Dịch tiếp tục bùng phát, chủ quan sẽ nguy hiểm

Số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng cao,  tỷ lệ chuyển nặng và tử vong thấp, nhưng chúng ta chưa thể coi Covid-19 là bệnh thông thường.

Lây nhiễm tăng cao, y tế sẽ quá tải

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống trước tình trạng số ca mắc Covid-19 liên tục tăng ca, trong đó, Hà Nội và hơn 10 tỉnh, thành phía Bắc dẫn đầu về số người nhiễm SARS-CoV-2, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, số ca mắc Covid-19 tăng cao sau Tết là điều đã được dự báo trước do mức độ di chuyển, giao lưu của người dân giữa các địa phương tăng cao.

Trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, các ca mắc sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn do các địa phương nới lỏng hoạt động phòng dịch, mở cửa hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ, đón khách quốc tế...

Hiện tỷ lệ tiêm văcxin trên cả nước khá cao, số ca diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong ở mức độ thấp hơn trước, nhưng chúng ta không thể lơ là chủ quan, coi mắc Covid-19 như là một bệnh lý thông thường được. Điều này sẽ rất nguy hiểm.

benh-nhan-nang.jpg
Dịch tiếp tục bùng phát, chủ quan sẽ nguy hiểm.

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà phân tích, Covid-19 chỉ được coi là bệnh lý thông thường khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, là tỷ lệ bệnh nhẹ (khả năng dẫn đến chuyển biến nặng và tử vong ít). Thứ 2 là tỷ lệ mắc phải thấp ERO < 1 (tức là tỷ lệ mắc xuống dưới 1 người lây cho 1 người).

Trong khi đó, hiện tỷ lệ chuyển nặng và tử vong ở nước ta cũng như trên thế giới vẫn ở mức cao, tốc độ lây lan vẫn rất kinh khủng, ERO < 4 (1 người có thể lây cho 4 – 5 người). Hơn nữa, văcxin cũng được chứng minh chỉ có tác dụng giảm tỷ lệ nằm viện và tử vong chứ không phải giảm tỷ lệ mắc. Do đó, tỷ lệ mắc ở những vùng chưa mắc nhiều vẫn tiếp tục bùng phát.

Khi số ca mắc tăng cao, sẽ tăng theo số ca chuyển nặng (dù tỷ lệ chuyển nặng ít) tăng nhiều dẫn tới quá tải y tế và số ca tử vong sẽ tăng cao.

Với ca mắc hiện tại, ngành y tế các tỉnh hiện đang đáp ứng được, nhưng số ca mắc tăng vọt trong những ngày qua, các ca nặng nhiều lên, số bệnh nhân phải thở máy nhiều... đã bắt đầu tăng áp lực lên hệ thống y tế. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện có 600 bệnh nhân Covid-19 điều trị, có tới 230 người phải thở máy...

hn-thanh-nhan.jpeg
Bệnh nhân Covid-19 tại phòng hồi sức tích cực.

Vì thế, hiện tại không thể coi Covid-19 là bệnh thông thường được. Thực tế hiện tại trên thế giới chưa có nước nào công bố hết dịch và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn liên tục kêu gọi các nước không nên chủ quan, nhất là với các biến chủng mới của SARS-CoV-2.

Vẫn phải phòng bệnh, tránh chuyển nặng

Việc mở cửa mọi hoạt động là cần thiết, nhưng kèm theo đó là nguy cơ lây nhiễm tiếp tục tăng cao, không nên chủ quan. Chúng ta có thể tự do đi lại, nhưng mỗi người dân cần tự áp dụng tối đa biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình. Bởi nếu chủ quan, dịch bệnh bùng phát mạnh như Mỹ và các nước châu Âu, mỗi ngày có hàng trăm nghìn người nhiễm thì sẽ rất nguy hiểm.

Bị nhiễm bệnh, không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân, gia đình (sức khỏe giảm sút, hội chứng hậu Covid-19, phải cách ly, phải nghỉ việc...) mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước như quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng kinh tế, xã hội...

xet-nghiem-hn.jpg
Dịch tiếp tục bùng phát, chủ quan sẽ nguy hiểm.

Do đó, mỗi người cần cố gắng làm những việc đơn giản như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế tham dự các sự kiện đông người nếu không thật sự cần thiết... Với tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron, chúng ta khó hạn chế được hoàn toàn, nhưng cố gắng không để nó lây nhiễm diện rộng.

Hiện tại Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất thuốc kháng virus điều trị Covid-19 cho 3 công ty tại Việt Nam. Hy vọng thuốc được phân phối và bán rộng rãi để người bệnh có thể tiếp cận thuốc kịp thời nhằm giảm tải lượng virus, tình trạng lây lan và nguy cơ chuyển nặng.

Người dân khi bị nhiễm Covid-19 không nên chủ quan tự ý điều trị và không báo cho chính quyền địa phương, nhân viên y tế. Bởi chúng ta khó có thể lường trước được tình trạng chuyển nặng và nguy kịch. Trường hợp bệnh không ổn định phải cho vào viện vì ngoài điều trị Covid-19, còn phải điều trị bệnh nền.

 Khi điều trị tại nhà, các F0 cần lưu số hotline phòng, chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe. Thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng. Đồng thời, người bệnh chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như khẩu trang y tế dùng 1 lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay...

Đặc biệt, người bệnh phải có đủ 6 phương tiện, thiết bị gồm: Nhiệt kế; Máy đo độ bão hòa oxy (SpO2); Máy đo huyết áp; Điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; Thùng rác thải y tế và Túi thuốc điều trị tại nhà.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top