Đi phun thuốc giữa trời nắng nóng, người đàn ông bị suy thận cấp

Say nắng là dấu hiệu sốc nhiệt khi làm việc dưới trời nắng nóng, xảy ra phổ biến trong mùa hè. Nếu không được xử trí kịp thời có thể là tụt huyết áp, sốc giảm thể tích, rối loạn điện giải nặng, tổn thương tạng, suy đa tạng.

Mới đây, nam bệnh nhân T. 60 tuổi được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng sốc giảm thể tích, mạch nhanh (110ck/p), huyết áp tụt (80/40mmHg) suy thận cấp, toan chuyển hoá tăng lactat do say nóng, say nắng sau khi đi phun thuốc trừ sâu.

Được biết, buổi chiều cùng ngày vào viện ông T. đi phun thuốc sâu trời nắng nóng và mất rất nhiều mồ hôi, sau khi về nhà bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, co rút cơ bắp chân tăng dần, vã mồ hôi, thấy lạnh người, ở nhà có dùng các biện pháp làm ấm cơ thể nhưng không đỡ.

Nam bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Nam bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Ông T. đến nhà của nhân viên y tế tiêm canxi nhưng vẫn không đỡ, tình trạng co rút cơ, vã mồ hôi ngày càng tăng, vã mồ hôi đầm đìa ướt đẫm quần áo, chăn gối, môi tím, khô và khát nước nhiều.

Người nhà đã nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và bù nước, điện giải. Hiện tại, sau khi được cấp cứu và điều trị tích cực, nam bệnh nhân ổn định và nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết say nắng là dấu hiệu sốc nhiệt khi làm việc dưới trời nắng nóng, xảy ra phổ biến trong mùa hè. Trường hợp nhẹ, người bệnh có nhịp tim gấp gáp, thở nhanh, đỏ da, có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có biểu hiện tụt huyết áp, sốc giảm thể tích, rối loạn điện giải nặng, tổn thương tạng, suy đa tạng.

Vì vậy, khi gặp người bị say nắng, say nóng, thực hiện ngay các bước như sau:

Đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, đồng thời gọi hỗ trợ.

Áp dụng ngay lập tức các biện pháp làm mát để hạ thân nhiệt như cởi áo, chườm mát. Cho nạn nhân uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải nếu bệnh nhân tỉnh táo, có thể uống được.

Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Để phòng say nắng, các bác sĩ khuyến cáo trong ngày nắng nóng, người dân tránh làm việc trong khoảng thời gian từ 11h đến 14h, và không mặc quá nhiều quần áo bí, không thấm mồ hôi.

Theo Đời sống
back to top