Đề xuất cấm xe máy trong nội đô Hà Nội sau năm 2025: “4 không” và chuyện “cần câu cơm” của dân

Giới chuyên gia cho rằng, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là “cần câu cơm” của đa số người có thu nhập thấp, trong khi hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải công cộng chưa phát triển thì đừng nên nghĩ đến chuyện cấm xe máy.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận sau năm 2025. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này thực hiện là: “không khoa học”, “không thực tiễn”, “không nhân văn”, “không phù hợp”.

dexuat1.jpg
Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hướng đến giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Trần Hải

Cấm xe máy là cắt “cần câu cơm” của dân nghèo

Chị Hoàng Phượng (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết, vợ chồng chị đều sử dụng xe máy để đi làm, thu nhập của cả gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nếu cấm xe máy trong nội thành Hà Nội thì sẽ rất bất tiện cho sinh hoạt, làm việc, bởi chưa đủ điều kiện mua ô tô.

Còn anh Nguyễn Sơn (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cũng thấy hoang mang với thông tin cấm xe máy vào các quận nội thành Hà Nội. Bởi phương tiện anh đi làm, đi chơi hiện nay đều bằng xe máy, nếu cấm xe máy thì buộc anh sẽ phải đi lại bằng các phương tiện công cộng như xe buýt. “Nhà tôi cách xa điểm xe buýt, phải di chuyển nhiều chặng mới đến chỗ làm. Có những lần tôi phải chờ đến 40 phút mà chưa thấy xe buýt đâu”, anh Sơn chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải cho biết, thực tế hiện nay tại Hà Nội hạ tầng còn rất yếu kém, mạng lưới xe buýt còn rất lạc hậu, chỉ đáp ứng được khoảng trên dưới 10% của người dân. Vậy cấm xe máy thì người dân sẽ đi lại bằng gì? Hạn chế xe máy được chỉ ở những giai đoạn, thời điểm đường sá đã tốt, hạ tầng tốt, giao thông công cộng tốt chứ không thể hạn chế xe máy bằng phương pháp áp đặt ngay được.

“Đến nay Hà Nội mới chỉ có một vài tuyến metro, xe buýt thì người dân chưa mặn mà. Mức độ hoạt động của phương tiện giao thông công cộng không đạt được khoảng 40% nhu cầu đi lại của người dân thì đừng có nghĩ đến chuyện hạn chế xe máy”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Thậm chí, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, “kể cả đến ngưỡng 40% cũng không nên cấm xe máy, đừng đổ tội cho xe máy. Hiện xe máy là phương tiện đi lại của 70% người dân Hà Nội, phù hợp và thuận tiện với điều kiện đường sá Hà Nội chật hẹp, nhiều ngõ hẻm. Xe máy là “cần câu cơm” cần thiết của rất nhiều người thu nhập thấp, nên việc cấm xe máy thời điểm này là chưa phù hợp.

Ở châu Âu không có quốc gia nào cấm xe máy. Nếu cấm xe máy thì có thể nói đến Trung Quốc cấm tại một số thành phố, Myanmar cũng cấm xe máy. Nhưng tại Myanmar cấm xe máy người dân vô cùng khổ sở bởi phải tập trung mua ô tô, rồi chất hàng lên xe buýt vì chưa có metro. Kể cả tại Trung Quốc, người dân ở những thành phố nghèo cũng rất muốn đi xe máy nhưng lại bị cấm. Cái đó rất sai lầm và cần phải rút kinh nghiệm.

“Theo tôi việc cấm xe máy là giải pháp áp đặt. Nếu không nghe tiếng nói từ chính người dân thì sẽ thấy hậu quả ghê gớm của nó. Bao nhiêu người nghèo vẫn còn khổ sở mưu sinh lại cấm xe máy, ưu tiên ô tô. Đó là việc làm rất kỳ cục, không thực tiễn, không nhân văn, không phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, đây là vấn đề liên quan đến định hướng trong quản lý đô thị và cần phải xem xét lộ trình quản lý giao thông chung, chứ không phải chỉ đặt ra mỗi vấn đề cấm xe máy.

Dù hiện nay chúng ta đang có định hướng đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, nhưng với định hướng nêu ra trong Chiến lược phát triển kinh tế 2020 - 2025 thì tỷ lệ giao thông công cộng này vẫn còn rất thấp. Hơn nữa, các chỉ tiêu đặt ra trong Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) vừa rồi, cộng với yêu cầu về giao thông thì sẽ rất khó cấm xe máy bởi nó ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

Các giải pháp giao thông nếu có đột phá, Hà Nội quyết được đi chăng nữa cũng phải đạt được mục tiêu là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân, chứ không phải là cấm đoán. Vậy đặt ra thời điểm từ 2025 cấm xe máy cần phải xem xét lại.

dexuat2.jpg
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải.

Tại sao không cấm ô tô?

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, nếu cấm xe máy thì sẽ xảy ra xu hướng nhiều người dân mua ô tô. Và điều này có thể sẽ khiến tình trạng ùn tắc càng khốc liệt hơn.

Tại sao chúng ta đưa ra chủ trương cấm xe máy nhưng lại không cấm ô tô? Trong khi đó, cả ô tô và xe máy đều là phương tiện giao thông cá nhân gây ùn tắc giao thông.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nếu đi ô tô thì lượng chiếm dụng mặt đường gấp 10 - 20 lần so với người đi phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện trên cao); nếu đi xe máy diện tích chiếm dụng mặt đường cũng gấp 3 - 4 lần đi phương tiện giao thông công cộng. Vậy, ô tô mới là yếu tố gây ùn tắc nặng nề hơn xe máy.

Cấm xe máy mà không cấm ô tô thì khác nào chúng ta đang hướng đến đánh vào người nghèo.

Nói thế không có nghĩa là phát triển nhiều xe máy là tốt, cũng phải hạn chế xe máy. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, giải pháp tốt nhất trước khi hạn chế xe máy là phải phát triển các phương tiện giao thông công cộng, hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị; kết nối, đồng bộ đủ để người dân sử dụng thuận tiện thì họ sẽ tự dần dần giảm bớt xe máy, chứ không thể áp đặt như hiện nay.

Về vấn đề này, theo TS Đào Ngọc Nghiêm, đây là cấm phương tiện giao thông cá nhân nói chung bao gồm cả ô tô, xe máy. Không phải chỉ đặt ra đối với xe máy, mà phải nghiên cứu đồng bộ với các phương tiện giao thông cá nhân như vậy mới hợp lý.

Bởi vì tỷ lệ đường giao thông, tỷ lệ mật độ giao thông tất cả đều có chỉ tiêu chung là cho xe máy và ô tô cá nhân. Vì vậy, ô tô cũng phải có phương án giảm số lượng. Cái này chúng ta nên đồng bộ chứ đừng tách ra để có những giải pháp riêng, sẽ khó có bức tranh toàn cảnh được.

“Có thể thấy việc cấm xe máy là giải pháp áp đặt. Nhưng nếu không nghe tiếng nói từ chính người dân thì sẽ thấy hậu quả ghê gớm của nó. Bao nhiêu người nghèo vẫn còn khổ sở mưu sinh lại cấm xe máy, ưu tiên ô tô. Đó là việc làm rất kỳ cục, vô lý, không khoa học, không thực tiễn, không nhân văn, không phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

“Các giải pháp giao thông nếu có đột phá, Hà Nội quyết được đi chăng nữa cũng phải đạt được mục tiêu là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân, chứ không phải là cấm đoán. Vậy đặt ra thời điểm từ 2025 cấm xe máy cần phải xem xét lại”, TS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo Đời sống
back to top