Theo Bộ GTVT, trên cơ sở kinh nghiệm này và điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan tư vấn và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã xây dựng 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành. Trong đó, phương án 1 là đầu tư bằng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại).
Phương án 2 là giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA hoặc bằng vốn của ACV (không sử dụng vốn ODA). Hoặc giao ACV chủ trì thành lập pháp nhân mới và nắm giữ tỷ lệ chi phối để đầu tư, khai thác sân bay này. Còn phương án 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, khai thác sân bay Long Thành theo hình thức BOT.
Bộ GTVT phân tích, đánh giá các phương án đầu tư này dựa trên 6 tiêu chí. Gồm: Hành lang pháp lý, vai trò và lợi ích của nhà nước, tiến độ thực hiện dự án, năng lực và kinh nghiệm đầu tư, khai thác của nhà đầu tư, mức độ thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư.
Từ đây, Bộ GTVT cho biết tư vấn và ACV đã kiến nghị đầu tư sân bay theo theo phương án giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA. Trong đó, các hạng mục như ga hàng hóa, dịch vụ cung cấp suất ăn, trung tâm bảo trì, bảo dưỡng máy bay sẽ do ACV hợp tác với các nhà đầu tư khác để đầu tư, khai thác hoặc nhượng quyền đầu tư khai thác.
Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đã được Quốc hội thông qua với tổng mức đầu tư khái toán là hơn 336.600 tỷ đồng (giai đoạn 1 là hơn 114.400 tỷ đồng), xây dựng trên diện tích hơn 5.000ha. Giai đoạn 1 của dự án là xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, ga hàng hoá 1,2 triệu tấn hàng hoá/năm, hoàn thành trước năm 2025.
Giai đoạn 2 là xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách, nâng công suất 50 triệu khách và 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
ACV tiền thân là Doanh nghiệp Nhà nước. Sau cổ phần hoá, vốn nhà nước vẫn chiếm 95,4% vốn điều lệ của ACV.