Săn tìm nọc bọ cạp
Nghe đồn nọc bọ cạp xanh có thể chữa được ung thư, bà Phạm Thị Hòa (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) tìm hiểu, hỏi các nguồn thông tin để mua bằng được nọc bọ cạp xanh cho ông cụ nhà bà uống để chữa ung thư gan. Sản phẩm bà mua là nọc bọ cạp xanh Cuba có hoạt tính sinh học giúp giảm đau, kháng viêm và tăng cường hệ miễn dịch trên các khối u.
Chai nọc bọ cạp có giá là 5.950.000 đồng. Sản phẩm có tác dụng tốt nhất với các ca ung thư tạng như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư cổ tử cung, ung thư đường tiêu hóa, ung thư dạ dày, thực quản, túi mật, trực tràng và ung thư đại tràng, ung thư vòm họng.
Sau khi sử dụng, nọc bọ cạp xanh sẽ cô lập tế bào ung bướu, không cho mạch máu đến nuôi dưỡng khối u, làm cho khối u teo đi và cùng phối hợp với các liệu pháp xạ trị hay dùng hóa chất để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung bướu.
“Bằng mắt thường không phân biệt được nọc bọ cạp xanh hay đỏ, đen. Trong khi tác dụng chữa ung thư của các loại nọc này chưa được kiểm chứng, nên người bệnh không nên “tiền mất tật mang”, lương y Vũ Quốc Trung.
Lương y Vũ Quốc Trung, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong Đông y, bọ cạp có tên là toàn yết, có vị mặn, hơi cay, tính bình, có tác dụng trừ phong, trấn kinh giật được dùng chữa bệnh động kinh, cấm khẩu, mồm miệng méo, hoa mắt chóng mặt, ung nhọt vỡ, thiên đầu thống …
Muốn sử dụng loại côn trùng nguy hiểm này, phải qua nhiều bước xử lý sau đó tán thành bột. Tuy nhiên bọ cạp có độc nên rất nguy hiểm cho tính mạng con người, nhẹ thì cơ thể sưng vù, suy thận, nặng thì tử vong. Cho đến giờ vẫn chưa có bất kỳ chuyên gia nào của ngành y tế đưa ra khẳng định chế phẩm nọc bọ cạp được sử dụng thay thuốc.
Bọ cạp là loài cực độc
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, bọ cạp ở Việt Nam đã được xác định thuộc chi Buthiurus hoặc chi Heteronetrus, bọ cạp xanh có tên khoa học là Rhopalurus junceus. Ðây là một loài có đốt, thường sống ở dưới những hòn đá hoặc khe vách, đầu và ngực ngắn, bụng tương đối dài hơn, phía dưới của bụng thót lại và dài, cuối cùng có ngòi mang nọc độc.
Do nhu cầu lấy nọc bọ cạp để điều trị những rối loạn của hệ thần kinh, một số nước đã chú ý nuôi bọ cạp lấy nọc làm thuốc. Muốn có 1g nọc bọ cạp cần lấy ở 8.000 con một lần. Hiện ở Việt Nam, bọ cạp đa phần được tìm thấy ngoài tự nhiên hoặc nhân nuôi nhỏ lẻ chứ không được đầu tư nhân nuôi quy mô bài bản.
Bọ cạp ngoài loài Hemiscorpius có nọc độc hoại tế bào, tất cả các loài bọ cạp khác đều có độc làm hủy thần kinh. Những độc tố ảnh hưởng đến thần kinh này chứa một lượng nhỏ protein, natri và cation kali. Bọ cạp dùng nọc độc của nó để giết hoặc làm tê liệt con mồi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bọ cạp có khả năng điều chỉnh lượng nọc chích, thông thường 0,1-0,6 mg. Bọ cạp có hai loại nọc: loại nhẹ chỉ làm đối phương choáng váng và loại mạnh đủ để giết chết kẻ thù. Sau khi phun nọc để tấn công kẻ thù, phải mất vài ngày mới hồi phục sau khi dùng hết số độc có sẵn. Hiện ở Việt Nam, ngoài trào lưu lấy nọc bọ cạp làm thuốc còn sử dụng bọ cạp làm thực phẩm.
Đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc khi sử dụng thực phẩm sau khi ăn bọ cạp do lượng nọc độc không được sơ chế trước khi chế biến.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, bọ cạp còn thường được dùng để làm thuốc, Đông y gọi là toàn yết đặc trị các bệnh về thần kinh, trẻ em kinh phong… Thường mùa xuân và mùa hạ là có nhiều bò cạp nhất để bắt. Về tác dụng chữa ung thư, đến nay chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng nọc bọ cạp chữa được bệnh ung thư.
Bảo Khánh