Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, đề án trồng 1 tỷ cây xanh ra đời rất kịp thời trong bối cảnh thiên nhiên đang bị tàn phá quá mức. Năm 2020, đất nước ta đã trải qua những thiên tai vô cùng khủng khiếp, nhất là lũ lụt lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở miền Trung. Trong 7 vùng sinh thái của cả nước, miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng cực đoan nhất của thiên tai bão lũ, bởi địa hình hẹp ngang (có nơi từ đông sang tây chỉ 50 - 60km), nhưng độ dốc từ đông sang tây lại rất lớn. Các sông ở đây ngắn, dốc và luôn phải gánh một lượng nước đổ về đột ngột khi có mưa lớn cực đoan.
Giải pháp lúc này cần phải tập trung giữ bằng được rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ, đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây xanh để giữ nước, tạo ra lá phổi xanh, thảm thực vật trù phú cho khu vực này. Vì vậy, trong quá trình triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tới đây, các tỉnh miền Trung cần được ưu tiên nhất về nguồn lực để hỗ trợ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Hiện nay, chất lượng rừng ở các tỉnh miền Trung nhìn chung còn thấp, tỷ lệ rừng rừng nghèo kiệt vẫn còn lớn. Vì vậy, chương trình này trước hết cần ưu tiên cho các giải pháp để phát triển rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở các khu vực rừng nghèo, kiệt, chất lượng kém. Trong đó, chú trọng vào các chủ rừng là các tổ chức do Nhà nước quản lí. Trong triển khai, cần xác định tiêu chí trồng rừng theo diện tích, kể cả trồng cây phân tán cũng có thể quy về diện tích, chứ không nên tính theo số lượng cây. Bên cạnh đó, cần điều tra cụ thể xem quỹ đất để phát triển rừng hiện nay còn bao nhiêu, nơi nào thì trồng cây gì cho phù hợp nhất cả về yếu tố môi trường, cảnh quan, ý nghĩa kinh tế, xã hội…