Đau xương khớp mùa lạnh… điều trị thế nào trúng đích?

Khoảng 90% bệnh nhân xương khớp nhạy cảm với thời tiết và mùa Đông thường tăng gấp 2 – 3 lần so với bình thường. Việc xoa bóp, tập luyện hoặc điều trị sai cách có thể khiến người lành thành tàn phế.

Ở Việt Nam, bệnh viêm đau xương khớp là một trong những dạng bệnh mạn tính, có tỷ lệ tàn phế cao nhất khiến nhiều người giảm và mất khả năng lao động, sinh hoạt.

Trẻ không tha, già không chừa

Chị N.T.H (40 tuổi, Hà Nội) bị đaukhớp gối trái kể từ hôm trời Hà Nội rét đậm. Khớp gối của chị sưng đau mất ăn, mất ngủ. Chụp X-quang bình thường, siêu âm đo dịch khớp gối dày 14mm, dịch tập trung toàn bộ dưới gân cơ tứ đầu đùi. Chị uống cả vốc thuốc không đỡ…

“Nhiều người sai lầm khi thấy đau là xoa bóp, điều đó sẽ rất có hại, làm cho các khớp đau thêm. Xoa bóp có thể có ích trong một số trường hợp, với tác dụng làm giảm cơn co cứng. Tuy nhiên, không được xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau…). Đặc biệt, khi đau không nên tập luyện mạnh, đặc biệt là đi bộ sẽ khiến bệnh nặng hơn” – PGS.TS Võ Tường Kha.

BS Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân đến khám đau khớp gối rất đông. Đặc biệt có nhiều trường hợp tuổi rất trẻ, như ca bé gái 13 tuổi đau gần 1 tháng do hay ngồi xổm, thanh niên từ 20-30 đau do chơi thể thao, tập thể dục…

“Các trường hợp trẻ đều có chung đặc điểm, họ đang cảm thấy rất sung sức, nhưng sau những hoạt động thường xuyên liên quan đến gắng sức khớp gối, đột nhiên cảm thấy gối bị đau và yếu đi. Những ngày tháng sau đó, đầu gối của họ sợ lạnh, trời mưa hay những ngày nhiều mây đầu gối rất khó chịu, đêm ngủ nhức buốt, thậm chí bị sưng tấy”, BS Phúc cho biết thêm.

Khảo sát của PV Khoa học và Đời sống tại Bệnh viện Lão khoa, mùa Đông, bệnh nhân xương khớp thường tăng gấp 2 – 3 lần so với bình thường. Riêng khoa trị liệu, hiện mỗi ngày có khoảng 70 – 80 người tới điều trị. Đau là triệu chứng đầu tiên của bệnh này. Lúc khởi đầu chỉ có một vài khớp bị đau, rồi từ từ nhiều khớp và có thể toàn thân bị đau nhức.

Theo BS Cao Hồng Phúc, các thí nghiệm chỉ ra rằng, nếu độ ẩm tăng và áp suất không khí giảm, thì những người có bệnh xương khớp sẽ bị sưng đau, khớp gối bị nhiều nhất. Về nguyên tắc, độ ẩm bên ngoài tăng và khí áp giảm, thì dịch từ trong tế bào thoát ra ngoài, mọi người sẽ đi tiểu nhiều. Ngược lại, độ ẩm bên ngoài giảm và khí áp tăng, thì dịch giữ lại trong tế bào.

Ở người có bệnh lí khớp, độ ẩm tăng và khí áp giảm, dịch từ tế bào tiết vào ổ khớp, dịch giữ trong đó mà không có cách nào đào thải ra nước tiểu, chính lượng dịch đó gây tăng áp lực dẫn đến triệu chứng đau khớp.

Nên điều trị Đông y hay Tây y?

PGS.TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao cho biết, đau hệ cơ xương khớp không chỉ do xương và khớp mà còn liên quan đến cơ, dây chằng, gân và dây thần kinh. Nó có thể là cấp tính (khởi phát nhanh với các triệu chứng nghiêm trọng) hoặc mãn tính (kéo dài). Vì vậy, không thể tự ý điều trị mà phải khám bác sĩ chuyên khoa xác định nguyên nhân, từ đó mới có cách điều trị hiệu quả, bằng thuốc hoặc phẫu thuật…

Thăm khám cho bệnh nhân đau xương khớp tại Bệnh viện Lão khoa TƯ

Thăm khám cho bệnh nhân đau xương khớp tại Bệnh viện Lão khoa TƯ

Theo BS Bùi Xuân Lực, Trung tâm Y học cổ truyền Vinmec - Sao Phương Đông, hiện nhiều người bị bệnh đang sử dụng các phương pháp truyền thống như thảo dược, châm cứu, xoa bóp, ấn huyệt, thuốc Đông y cùng những biện pháp không dùng thuốc khác để hạn chế tác dụng phụ khi dùng thuốc Tây y.

Tuy nhiên, các thuốc Đông y trị xương khớp hoặc các thảo dược được khuyên dùng chưa đủ bằng chứng về lợi ích…Vì vậy, nên thận trọng khi sử dụng và luôn cần sự tham vấn của các bác sĩ chuyên khoa, nhất là ở người cao tuổi hay người có bệnh lý đồng mắc.

Các liệu pháp năng lượng hỗ trợ như: xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, yoga, thái cực quyền….có tác dụng cải thiện ít nhất ở một phần ba số người bị đau mãn tính. Tuy nhiên, cần sự hướng dẫn và thực hiện bởi các chuyên gia.

Điều trị bệnh xương khớp cần tránh thực hiện theo các kinh nghiệm truyền miệng thiếu tính khoa học, các thuốc và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nếu không muốn bệnh tình thêm nặng.

Dinh dưỡng và tập luyện hợp lý

Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, trước hết hãy từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí, mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp…

Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoạt động của hệ xương khớp. Ăn uống thiếu chất khiến cơ thể không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng xương khớp. Ngược lại, ăn quá nhiều các chất đường và chất béo cũng khiến cơ thể thừa cân, béo phì, làm cho hệ xương khớp phải chịu đựng sức nặng nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ bị các bệnh xương khớp.

Thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có ga cũng làm giảm lượng canxi và khả năng hấp thụ canxi gây ra bệnh loãng xương. Vì thế, chế độ dinh dưỡng cần bổ sung đầy đủ protein, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; đồng thời ăn nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều canxi như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả, ngũ cốc, hải sản…

Khi bị đau, cách tốt nhất để giảm đau là làm nóng: tắm nước nóng toàn thân (áp dụng cho các trường hợp viêm nhiều khớp), tắm nóng từng phần (những người không tắm được toàn thân hay đau khớp cục bộ, tay chân…), đắp nóng hoặc chườm nóng…

Lấy lá ngải cứu trắng rửa sạch, cho lẫn muối vào rồi nướng nóng lên, sau đó đắp vào khớp. Khi khớp bị sưng, đắp ngải cứu muối ấm sẽ làm cơn đau giảm đi, khớp bớt sưng hơn. Hoặc mỗi ngày, ngâm chân nước muối ấm và gừng 15 - 30 phút.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top