Đầu tư công: Từ tội đồ thành cứu cánh

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành giải pháp chính để đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dịch Covid-19. Nhiều năm trước, đầu tư công thường đi kèm với những cáo buộc về sự yếu kém về hiệu quả, thậm chí trở thành gánh nặng của nền kinh tế.

Cứu cánh

Trong nhiều năm qua, đầu tư công được định vị là nguồn lực đóng vai trò “đầu kéo” đối với nhiều ngành, nghề trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của Việt Nam.

Giai đoạn từ 2010 – 2019, đầu tư công là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng... Đầu tư công đã có vai trò then chốt trong duy trì tăng trưởng GDP với tỷ lệ cao, đặc biệt là trong các năm 2017-2019 ( luôn ở quãng 7%/năm), cao hơn nhiều so với mức bình quân 6,84%/năm của thế giới.

Năm 2020, ảnh hưởng từ dịch Covid – 19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu bị tổn thương nặng nề. Dịch lây lan khiến hơn 80 triệu người nhiễm và gây cái chết cho hơn 1,7 triệu người trên thế giới. An ninh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kèm theo đó là sự suy thoái về kinh tế khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Số liệu từ Tổng Cục thống kê cho thấy, giãn cách xã hội tháng 4/2020 đã khiến tăng trưởng GDP quý 2 chỉ tăng 0,36%, kéo tăng trưởng nửa đầu năm 2020 chỉ còn 1,81%.

Không những thế, dịch tái bùng phát vào tháng 7, và sau đó là chuỗi thiên tai tại miền Trung vào tháng 10 đã thực sự gây sức ép kéo giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, để giữ vững tăng trưởng kinh tế đạt mức Quốc hội giao , Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy kinh tế phát triển.

Từ đầu năm, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương phải xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, không những phải giải ngân hết vốn trong năm 2020 đã được giao mà còn phải giải ngân hết số vốn chưa kịp giải ngân từ năm 2019 chuyển sang. Tổng số tiền ngân sách cần “tiêu” hết trong năm 2020 suýt soát 1 triệu tỷ đồng.

Số liệu từ Tổng Cục thống kê cho biết, tính đến hết tháng 10/2020, ngân sách Trung ương đã giải ngân 321.529,41 tỷ đồng đạt 68,3% kế hoạch; ngân sách địa phương có kế hoạch giải ngân 464.269,82 tỷ đồng, đạt 97,1% kế hoạch. 

Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được triển khai, như  Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, 11 dự án thành phần dự án đường cao tốc Bắc – Nam, dự án sửa chữa nâng cấp đường lăn sân bay Nội Bài, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất…

Việc triển khai các dự án đầu tư công đã phần nào tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Số liệu từ Tổng Cục thống kê cho thấy, GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,12%, kết quả khả quan so với mức tăng âm của thế giới.

Nhưng vẫn lo kém hiệu quả

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của các dự án đầu tư công, nhất là những dự án đầu tư vào những nhóm, ngành trọng điểm, tạo tính lan tỏa thúc đẩy phát triển của nền kinh tế.

Ví dụ như việc đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sẽ là động lực giúp những ngành nghề như sản xuất thép, xi măng,… tăng trưởng, kèm theo đó là tác động tới những ngành như điện, nước… và tạo bàn đạp cho kinh tế vùng phát triển.

Tuy nhiên, đi cùng với thành tích, đầu tư công còn đi kèm với nhiều tai tiếng với rất nhiều dự án kém hiệu quả. Thực tế kém hiệu quả của đầu tư công đã được chỉ ra từ lâu, nhưng hiện nay vẫn cần có thêm giải pháp để gia tăng thêm hiệu quả.

Giải trình trước Thường vụ Quốc hội ngày 2/10/2017, Bộ KHĐT đã công bố 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả ở các bộ, ngành, địa phương. Trong đó gồm 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Bộ GTVT...

Đến ngày 3/7/2019, trong báo cáo gửi Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ KHĐT đã thống kê ra 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, gây thất thoát, lãng phí.

Sự kém hiệu quả trong đầu tư công không những gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước, thâm hụt ngân sách, tăng nợ công quốc gia mà còn khiến hiệu quả đầu tư bị hạn chế.

Lo ngại hơn cả là những tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình... dẫn đến phá hoại ngầm giá trị của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Kèm theo đó là hàng loạt cán bộ cấp cao cũng bị kỷ luật, bị xử lý hình sự vì tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công, như Đinh La Thăng, Phạm Thanh Bình, Trịnh Xuân Thanh...

Nguyên nhân của sự thiếu hiệu quả của đầu tư công đã được đưa ra bàn, họp không ít lần. Từ thể chế pháp luật về đầu tư công chưa đồng bộ, thống nhất, tình trạng chồng chéo giữa các quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư công… đến cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian trong hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư công.

Nhưng vấn đề lớn nhất là hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công tồn tại nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả. Dẫn đến nhiều vụ việc đến khi phát hiện đã trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế, như Vinashin, Vinaline…

Trong bối cảnh những yếu kém trong đầu tư công vẫn còn tồn tại, thì việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân gần 1 triệu tỷ đồng trong năm 2020 thực sự đang tạo ra những nguy cơ đối với ngân sách lẫn xã hội.

Việc đầu tư, khởi công hàng loạt dự án trong năm 2020 để đáp ứng chỉ tiêu giải ngân, cũng tạo áp lực lên ngân sách trong những năm tiếp theo để đáp ứng nguồn vốn cho dự án. Lưu ý, các dự án như cao tốc Bắc – Nam đều có thời gian thi công dự kiến từ 3 – 5 năm.

Việc giải ngân quá nhiều tiền trong một năm cũng tạo áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, khả năng trả nợ công…

Chủ nghĩa quan liêu, cơ hội, lợi ích nhóm, cơ chế xin cho vốn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất thoát đầu tư công vẫn chưa thể ngăn chặn hiệu quả. Thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng dự án đầu tư công khiến nhiều dự án rơi vào tình trạng” làm lâu, hỏng nhanh”…

Rõ ràng, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đầu tư công là "cứu cánh" cho sức phát triển của nền kinh tế, nhưng đi đôi với dự án đầu tư công cũng cần cơ chế giám sát hiệu quả, ngay từ phê duyệt dự án đầu tư công.

Theo KH&ĐS
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top