PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã báo cáo về tình trạng thấp còi của trẻ dưới 3 tuổi, suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi cùng tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi và học sinh tiểu học. Theo đó, trẻ thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13%, thiếu máu là 27,8%, thiếu kẽm là 64,4%; ở học sinh tiểu học thiếu máu là 11,8%, thiếu vitamin D từ 46,6 – 58,3%, vitamin huyết thanh thấp 12,1 – 19,9%, thiếu vitamin 7,7%, thiếu vitamin A giới hạn 7,7%... Sữa là thực phẩm có giá trị sinh dưỡng cao là một trong nhóm thực phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo trong bữa ăn hằng ngày. Sữa và chế phẩm sữa là nguồn cung cấp canxi quan trọng cho trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì, xương phát triển nhanh, nhu cầu canxi và các chất dinh dưỡng tăng cao.
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe, Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chương trình sữa học đường nhằm làm giảm suy dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Theo chỉ tiêu đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo chương trình; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo chương trình...; Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáu và tiểu học đạt 90 – 95%... Tuy nhiên, hiện nay mới có 25 tỉnh, thành thực hiện và chưa có sự thống nhất mô hình thực hiện trong cả nước. Trong số 25 tỉnh có 19 tỉnh giao cho Sở Giáo dục & Đào tạo, 6 tỉnh giao cho Sở Y tế làm đầu mối triển khai.
Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk hiện là đơn vị cung cấp sữa học đường cho 23 tỉnh, thành phố đã báo cáo các biện pháp đảm bảo ATTP từ khâu kiểm soát nguồn nguyên liệu, đến quy trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ, bảo quản... triển khai để đảm bảo an toàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau phân tích những khó khăn, bất cấp khi triển khai, đưa ra các biện pháp vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm sữa trong trường học... Qua đó, giúp cho các nhà quản lý, những người trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình “Sữa học đường” tại các trường học có thêm kiến thức, kinh nghiệm để triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đưa Chương trình “Sữa học đường” đạt được nhiều kết quả tốt nhất.