Theo ThS.BS Đỗ Đình Tùng, Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, đái tháo nhạt là tình trạng thu nạp lượng nước rất lớn vào cơ thể và bài tiết lượng nước tiểu nhược trương quá mức. Đái tháo nhạt thường xuất hiện ở người trẻ, tuổi trung bình là 24, nam hay gặp hơn nữ. Dựa vào cơ chế bệnh sinh, chia ra 4 týp đái tháo nhạt:
+ Týp 1: Áp lực thẩm thấu huyết tương tăng, còn áp lực thẩm thấu niệu tăng rất ít, không có biểu hiện tăng tiết ADH (hormon chống lợi tiểu) trong quá trình truyền muối ưu trương.
+ Týp 2: Tăng đột ngột áp lực thẩm thấu niệu trong quá trình thải nước nhưng không có ngưỡng thẩm thấu trong quá trình truyền muối.
+ Týp 3: Tăng đồng thời áp lực thẩm thấu niệu và huyết tương. Có sự tăng ngưỡng thẩm thấu đối với tiết ADH.
+ Týp 4: Áp lực thẩm thấu niệu và huyết tương thay đổi, thời kỳ đầu, áp lực thẩm thấu huyết tương bình thường hoặc dưới mức bình thường.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo nhạt là do suy giảm bài tiết hormon ADH trong tình trạng đáp ứng với những kích thích sinh lý bình thường (đái tháo nhạt trung ương) hoặc suy giảm chức năng của thận đối với sự đáp ứng ADH (đái tháo nhạt do thận). Sự xuất nhập nước của cơ thể chịu sự điều chỉnh và sự toàn vẹn của nhiều yếu tố: Tiết ADH và đáp ứng của thận; Uống nước khi cảm thấy khát (tuy nhiên không nhất thiết có đồng bộ trong tiết ADH và cảm giác khát). Mỗi một yếu tố trên có thể bị rối loạn và gây ra đái tháo nhạt.
+ Đái tháo nhạt do thần kinh (đái tháo nhạt trung ương):
- Nguyên phát: Do di truyền; Vô căn (bệnh tự miễn); Hội chứng Wolfram (đái tháo nhạt, đái tháo đường, teo thị giác, điếc).
- Thứ phát: Do chấn thương sọ não; U vùng tuyến yên (đặc biệt di căn); Nhiễm sarcoidosis, histiocytosic; Do phẫu thuật cắt bỏ tuyến yên; Tổn thương do viêm: viêm não, màng não; Thai nghén (hoại tử tuyến yên sau đẻ).
+ Đái tháo nhạt do thận:
- Nguyên phát: Do di truyền, vô căn.
- Thứ phát: Do bệnh lý thận: suy thận cấp và mạn; Bệnh chuyển hoá: tăng canxi hoặc giảm kali huyết; Uống nhiều do rối loạn cơ năng; Chứng ham uống do thần kinh; Vô căn (giảm ngưỡng thẩm thấu); Bệnh hạ đồi (sarcoidosis); do thuốc chống trầm cảm.
Bệnh nhân đái tháo nhạt thường uống nhiều, khát, đái nhiều. Các triệu chứng có thể xuất hiện rất đột ngột, khát cả ngày lẫn đêm, không thể nhịn được, thích uống nước lạnh. Đi tiểu nhiều, số lượng nước tiểu trung bình 2,5 - 6 lít/ngày, có thể 16 - 20 lít/ngày. Đi tiểu cứ mỗi 30 - 60 phút/lần.
+ Tỷ trọng nước tiểu thấp < 1.010, có trường hợp 1.001 - 1.005.
+ Nếu trung tâm khát bị tổn thương có thể sốt cao, loạn thần.
+ Da khô, không tiết mồ hôi.
+ Gầy sút, ăn kém, chán ăn. Mất nước mức độ nặng dẫn đến rối loạn điện giải, mỏi mệt, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, kiệt sức và tử vong.
+ Tăng áp lực thẩm thấu huyết thanh.
+ Thay đổi chức năng của một số tuyến nội tiết khác:
Nếu bệnh xảy ra ở tuổi thiếu niên thì chậm phát triển các biểu hiện sinh dục. Ở phụ nữ có thể rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, xảy thai tự nhiên, thai chết non.
+ Các triệu chứng chèn ép do u, viêm: tăng áp lực nội sọ, chèn ép giao thoa thị giác, hẹp thị trường thái dương.
Điều trị đái tháo nhạt đầu tiên và quan trọng nhất là phải uống đủ nước. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Vì thế, với những trường hợp đái tháo nhạt nhẹ thì có thể uống 2 - 3 lít nước/ngày mà không cần dùng thuốc gì. Những trường hợp đái tháo nhạt đi tiểu nhiều lần cần phải được điều trị để hạn chế đái nhiều. Hiện có rất nhiều loại thuốc để điều trị căn bệnh này, vì thế những người có đái nhiều và khát nước nhiều cần đi khám bệnh sớm. Những người đã được chẩn đoán chắc chắn bị đái tháo nhạt cần nhớ dùng thuốc đều và uống đủ nước.