LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta, thể hiện rõ “Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại”. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Khoa học và Đời sống xin giới thiệu những bài viết tôn vinh chiến thắng vĩ đại của quân và dân ta, được ví như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
70 năm đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về một thời hào hùng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" bên đồng đội như “Bài ca không quên” hằn sâu trong ký ức của Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng.
“Giữa mịt mù khói lửa, tiếng súng, tiếng đại bác rền vang, quân ta ào lên tiến công rồi giành chiến thắng. Tiếng đàn, tiếng hát hòa lẫn âm thanh chiến trường… Một cảnh tượng hào hùng, duy nhất trong đời chiến đấu tôi được chứng kiến. Trận đánh Him Lam đã thể hiện sức mạnh của quân đội ta, đè bẹp một cứ điểm địch cho là bất khả xâm phạm, mở màn cho chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, ông Tài xúc động kể về Điện Biên Phủ.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mai Loan. |
Trận đánh mở màn và cảm xúc “duy nhất trong đời”
Trò chuyện với PV Khoa học và Đời sống về chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Hữu Tài bồi hồi xúc động. Ký ức những ngày tháng oanh liệt như những thước phim sống động tua chậm lại trước mắt người lính Điện Biên Phủ năm nào. Trong đó, trận đánh Him Lam, mở màn chiến dịch, để lại cho ông cảm xúc “duy nhất trong đời”, không thể nào quên.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho hay, Him Lam - còn có tên Béatrice - đóng vai trò trọng yếu. Đây là “cánh cổng thép” của quân viễn chinh Pháp án ngữ đường 41 từ Tuần Giáo vào Điện Biên, đóng thành 3 cứ điểm có thể yểm hộ cho nhau.
Nếu giữ vững Him Lam trước các đợt tiến công của ta, địch sẽ chứng minh được sức mạnh “bất khả xâm phạm” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà cả Pháp và Mỹ bỏ nhiều công sức xây dựng. Còn nếu để mất Him Lam, Mường Thanh sẽ chẳng khác gì căn nhà bị mở toang cửa.
Thực dân Pháp canh phòng cứ điểm này rất cẩn mật. Với hầm sâu, công sự kiên cố, nhiều hàng rào dây thép gai…, người Pháp cho rằng, Him Lam là pháo đài bất khả xâm phạm. Họ rất tự tin, rêu rao về điều đó.
“Ta bắt được một tù binh, là sĩ quan của Pháp, khi biết quân đội ta định đánh Him Lam, tù binh này nói: “Ấy ấy, các ngài đừng đánh Him Lam, quân đội của họ mạnh lắm, không thắng được đâu”, ông Tài nhớ lại.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động kể lại ký ức Điện Biên Phủ. Ảnh: Mai Loan.
Khoảnh khắc hào hùng ở Điện Biên
Đại tá Nguyễn Hữu Tài kể, đúng 17h ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trước giờ nổ súng, quân ta tập hợp ở chiến hào để nghe “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ” của Bác Hồ.
Thư Bác viết: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang. Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng, các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
“Trong thời khắc lịch sử, thư của Bác là niềm động viên, khích lệ vô cùng lớn lao với chúng tôi. Tiếp đó, lệnh động viên từ Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đại ý: Giờ ra trận sắp bắt đầu. Đây là trận đánh lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử quân đội Việt Nam. Đánh thắng trận này, chúng ta sẽ phá tan kế hoạch Navar và góp phần vào phong trào hòa bình thế giới. Các binh chủng, các đơn vị hãy tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch. Cảm xúc trong chúng tôi dâng trào. Tất cả đều viết chữ “Quyết chiến quyết thắng” lên báng súng và mũ”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động nói.
Ông kể tiếp, sau đó là lễ trao cờ Quyết chiến quyết thắng của Bác Hồ, để đơn vị nào thắng lợi đầu tiên thì cắm lá cờ đó trên cứ điểm Him Lam. Trung đoàn giao lá cờ đó cho Tiểu đội trưởng Trần Can, chiến sĩ thi đua (sau này trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ).
Thời khắc chiến thắng là ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm trí Đại tá Nguyễn Hữu Tài. Khi đại bác của ta bắt đầu bắn trúng vào đồn địch ở Him Lam, quân ta không cần bí mật nữa, hò reo tiến ra mặt trận. Ở một góc chiến hào, đội văn công xung kích của đại đoàn cử bài nhạc: “Chiến sĩ Việt Nam”.
“Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống chết coi thường…”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động hát lại những giai điệu hào hùng khi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử.
“Giữa mịt mù khói lửa, tiếng súng, tiếng đại bác rền vang, quân ta ào lên tiến công rồi giành chiến thắng. Tiếng đàn, tiếng hát hòa lẫn âm thanh chiến trường… Một cảnh tượng hào hùng, duy nhất trong đời chiến đấu tôi được chứng kiến”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.
Bộ đội ta xông lên chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13/3/1954. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Niềm tin tất thắng
Người lính Điện Biên năm xưa nhớ lại, sau hơn 5 giờ chiến đấu, Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam của quân Pháp. Chiến thắng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ này có ý nghĩa động viên tinh thần vô cùng to lớn đối với quân đội ta, tạo niềm tin mãnh liệt, sức lan tỏa trên tất cả mặt trận.
Thắng lợi của trận mở đầu chiến dịch vào cụm cứ điểm Him Lam có giá trị khẳng định niềm tin tất thắng của chiến dịch rằng, nếu trung tâm đề kháng như Him Lam không đứng vững trước cuộc tiến công…, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không phải pháo đài không thể công phá. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Và thực tế, chúng ta đã chiến thắng.
Ở tuổi 95, nhắc lại những kỷ niệm, Đại tá Nguyễn Hữu Tài khi thì hào hùng, khí thế, lúc lại chùng xuống, nghẹn ngào. Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, thuở nhỏ, ông từng một buổi đi học, một buổi đến những nhà giàu xin cơm bố thí, về chia cho những người nghèo dạt đến Hải Phòng trong nạn đói 1945.
77 năm tuổi Đảng, 47 năm chiến đấu, trải qua những năm tháng nhọc nhằn, khó khăn, gian khổ, ông càng hiểu giá trị của hòa bình. Đó chính là máu xương của biết bao đồng đội của ông đã đổ xuống.
“Cuộc đời tôi có thể nói như thơ Nguyễn Du là ‘Trời còn để có hôm nay’, nhiều bạn chiến đấu của tôi không còn nữa. Trải qua gần 1 thế kỷ chiến đấu, từng chứng kiến, tham gia những sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của dân tộc, với tôi là niềm hạnh phúc, tự hào; nhất là khi, tôi được là người lính cụ Hồ, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh kiệt xuất nhất mọi thời đại”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài tâm sự.
Đúng 23h30 ngày 13/3/1954, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 312 báo cáo Bộ chỉ huy mặt trận: Hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt gọn quân Pháp ở Him Lam, thu toàn bộ vũ khí trước thời gian quy định của Bộ chỉ huy 30 phút.
Biết tin Him Lam bị xóa sổ, thiếu uý Jacker kinh ngạc thốt lên: “Đánh được Him Lam thì các ông có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ”.