“Đại gia điếu cày” thâu tóm KĐT Thanh Hà thế nào?

Năm 2016, Tập đoàn Mường Thanh đã mua lại 95% cổ phần tại doanh nghiệp dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, qua đó gián tiếp “thâu tóm” thành công KĐT Thanh Hà A và KĐT Thanh Hà B.

“Ông trùm” xây không phép

Viện KSND TP Hà Nội vừa ra thông báo về việc truy tố bị can Lê Thanh Thản (SN 1950, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes (viết tắt là Công ty Bemes), Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh ra trước TAND TP Hà Nội để xét xử về tội “Lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 BLHS.

Ông Lê Thanh Thản bị cáo buộc liên quan đến sai phạm tại Dự án Đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes CT6 ở Khu đô thị Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội).

Lợi dụng chính sách, quy định đơn giản hóa thủ tục hành chính của Nhà nước, ông Lê Thanh Thản đã tổ chức triển khai xây dựng rất nhanh công trình CT6 Kiến Hưng, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt; vừa tổ chức xây dựng, vừa thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng và đất đai đối với dự án.

Mặc dù không được cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án nhưng ông Thản vẫn tiếp tục chỉ đạo xây dựng công trình CT6 Kiến Hưng không theo quy hoạch đã được duyệt và bán toàn bộ các căn hộ được tạo lập trái pháp luật, thu lời bất chính.

Công trình xây dựng dự án CT6 Kiến Hưng đã vi phạm nghiêm trọng quy hoạch được phê duyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản hơn 56 tỷ đồng - là giá trị quyền sử dụng đất của 488 căn hộ do 488 khách hàng mua nhưng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

Ông Thản còn được biết đến với tên gọi “đại gia Điếu cày”, là người nổi tiếng qua các thương vụ mua bán doanh nghiệp và phát triển rất nhiều dự án nhà ở giá rẻ, sở hữu chuỗi khách sạn Mường Thanh từ 3 đến 5 sao ở nhiều tỉnh, thành phố.

Không chỉ sai phạm tại dự án Khu đô thị Kiến Hưng, đại gia “Điếu cày” còn vướng lùm xùm cho xây trái phép 78 căn hộ tại Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà nằm ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ.

Tại Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép và xử lý cưỡng chế tại Công viên nước Thanh Hà trong khu đô thị Thanh Hà. Đây là một trong những khu đất đối ứng cho dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) đã về tay vị “đại gia Điếu cày”.

“Dai gia Dieu cay” thau tom KDT Thanh Ha the nao?
Phối cảnh KĐT Thanh Hà - Hà Đông

Thâu tóm KĐT Thanh Hà

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) vốn dĩ được UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) thông qua đề xuất dự án triển khai thực hiện vào tháng 12/2007.

Dự án được thực hiện theo hợp đồng BT ngày 18/4/2008, trên cơ sở ký kết giữa Sở Giao thông Hà Tây với Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 - Cienco5. Theo đó Tổng công ty Cienco5 là nhà đầu tư còn Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) là doanh nghiệp dự án.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5 km, bắt đầu khởi công vào năm 2008 giai đoạn 1 với chiều 19,9 km (từ Km00 - Km19+900). Dự án đối ứng cho đoạn đường này là Khu đô thị mới Thanh Hà A và Thanh Hà B - Cienco5 (quận Hà Đông, Hà Nội) có tổng diện tích gần 400ha (Thanh Hà A 195,51ha, Thanh Hà B 193,22ha).

Giai đoạn 2 của dự án (từ Km19+900 - Km41+500) có chiều dài 21,6 km, với quỹ đất đối ứng là Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng, tại xã Cự Khê, xã Mỹ Hưng, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội), quy mô 182 ha.

Thực tế cho thấy, các khu đất đối ứng gồm KĐT Thanh Hà (KĐT Thanh Hà A và KĐT Thanh Hà B) cho giai đoạn 1 đến nay đã về tay Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh. Bởi, ngay từ năm 2016 Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh của “đại gia Điếu cày” đã mua lại 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land), qua đó giành chi phối dự án khu đô thị Thanh Hà tại quận Hà Đông.

Tuy nhiên, dự án đầu tư giai đoạn 2 đã bị UBND Hà Nội tạm dừng thực hiện từ năm 2015 đế nay do vướng mắc tranh chấp giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án. Thực chất là tranh chấp giữa Cienco5 và Cienco Land về quyền triển khai dự án BT giai đoạn 2 và quyền khai thác quỹ đất vàng đối ứng KĐT Mỹ Hưng 182ha.

Sự việc đến nay chưa được giải quyết xong và hiện đang bị tiến hành thanh tra. Báo cáo của Thanh tra Hà Nội năm 2022, chỉ ra hàng loạt tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án BT và các dự án đối ứng để hoàn vốn.

Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị UBND TP giao Sở GTVT chủ trì cùng Sở KH-ĐT, Sở TN-MT, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP tham mưu UBND TP làm việc với Bộ GTVT liên quan đến việc Cienco5 khi tiến hành cổ phần hóa (năm 2014) có quyền và nghĩa vụ đối với dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B và Khu đô thị Mỹ Hưng không; Có xác định giá trị đầu tư của Cienco5 tại các dự án trên vào giá trị doanh nghiệp hay không.

Đối với Cienco5 và Cienco5 Land, Thanh tra Thành phố Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo giữ nguyên hiện trạng dự án đường trục phía Nam và dự án Khu đô thị Thanh Hà A, B, Khu đô thị Mỹ Hưng, chờ chỉ đạo xử lý của cấp có thẩm quyền.

Theo Đời sống
back to top