Đại biểu muốn Ủy ban “to” hơn, Bộ nói trực thuộc là đủ

(khoahocdoisong.vn) - Phát biểu trước Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) chiều 13/6/2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định "Chính phủ và Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập hoạt động của UBCKNN và không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban”. Trước đó, có ý kiến đại biểu muốn UBCKNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Có Bộ quản, Ủy ban làm tốt hơn

Trong bài phát biểu được viết công phu, với các lập luận được trình bày cẩn thận, đánh số cho từng luận điểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ là phù hợp với yêu cầu quản lý, phù hợp với yêu cầu một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả…

Cụ thể, theo lãnh đạo ngành tài chính, trong 19 ý kiến đại biểu tại hội trường liên quan tới mô hình tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của UBCKNN, có 5 ý kiến tán thành Ủy ban trực thuộc Chính phủ, 9 ý kiến giữ nguyên như hiện hành (thuộc Bộ Tài chính). Các ý kiến đều đồng tình  tăng thẩm quyền và độc lập về chuyên môn nghiệp vụ cho UBCKNN, để tăng hiệu quả quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Nêu 3 lý do trong tiếp tục tăng cường vai trò, đảm bảo tính độc lập trong quản lý giám sát và thông lệ quốc tế của UBCKNN, Bộ trưởng Dũng cũng nêu các thành tựu mà ủy ban đạt được gắn với chỉ đạo của Chính phủ và các ngành chức năng (trong đó chủ chốt là Bộ Tài chính). Trong đó, đầu tiên là từ khi Ủy ban về trực thuộc (2004),  Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành 2 Luật Chứng khoán 2006 và 2010, 14 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng, 78 Thông tư... Qua đó, tạo khung khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho thị trường hoạt động và phát triển.

Đến nay, Bộ trưởng Dũng cho biết, TTCK đã phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, gồm đầy đủ các thị trường thành phần, hạ tầng vật chất, công nghệ được hoàn thiện, hiện đại hóa. Qua đó hỗ trợ đắc lực việc cổ phần hóa, tạo thêm kênh huy động vốn, mở rộng thị trường tài chính, các giao dịch thương mại tự do…

Thứ 2, việc UBCKNN thuộc Bộ Tài chính vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý, giám sát TTCK, đảm bảo với việc thực hiện các thông lệ quốc tế - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. Trong đó, theo Luật Chứng khoán hiện hành, UBCKNN độc lập trong quá trình quản lý, giám sát TTCK. Trong hoạt động, "Chính phủ và Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập hoạt động của UBCKNN và không can thiệp vào hoạt động của ủy ban” - Bộ trưởng khẳng định. Đồng thời, việc duy trì tính độc lập trong hoạt động của Ủy ban cũng đảm bảo phù hợp với các khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán Quốc tế.

Tại dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán lần này cũng đã bổ sung thêm 3 thẩm quyền quan trọng cho Ủy ban. Đó là quyền được tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, quyền chủ động áp dụng biện pháp bảo vệ nhà đầu tư và thị trường khi xử lý các sự cố, biến động bất thường trên TTCK. Và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình TTCK.

Lý do thứ 3, theo Bộ trưởng Tài chính, việc phát triển TTCK cần phải gắn với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và khẳng định yêu cầu tiếp tục duy trì UBCKNN thuộc Bộ Tài chính.

Tăng quyền, nhưng không tách khỏi bộ

Thảo luận về dự án Luật Chứng khoán sửa đổi, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng UBCKNN vẫn nên là một cơ quan thuộc Bộ Tài chính như hiện tại. Việc sửa đổi luật cần tăng được tính độc lập và tăng hiệu quả quản lý của Ủy ban. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần rà soát quy định để đảm bảo tính chủ động và thẩm quyền giải quyết, trách nhiệm của Ủy ban trong quản lý TTCK. Nếu Ủy ban tách khỏi Bộ Tài chính mà không được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì cũng không đem lại hiệu quả tích cực - đại biểu Mai nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, trước mắt UBCKNN vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, cần tăng thẩm quyền cho Ủy ban này theo hướng đảm bảo tính độc lập, có thể ngăn được những biến động bất thường và xử lý giao dịch phi pháp, tăng minh bạch cho TTCK.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là điều bình thường. Luật Chứng khoán trước đây và hiện tại chưa làm rõ quyền hạn của UBCKNN. Dự thảo sửa đổi lần này đã quy định rõ hơn quyền hạn, chức năng của UBCKNN để có thể xử lý các trường hợp thao túng thị trường. Nếu được thông qua, luật sửa đổi lần này có thể giúp thị trường chứng khoán minh bạch hơn.

Tuy nhiên, đại biểu Ngân cho rằng Chủ tịch của Ủy ban này “nên là một Thứ trưởng, người có thể thay mặt Bộ Tài chính để xử lý nhanh hơn những thủ tục hành chính nếu có”. Đồng thời, đại biểu Ngân cũng cho biết ông không muốn áp dụng hình sở giao dịch chứng khoán mẹ và 2 sở con như đề xuất tại dự thảo, mà nên giữ nguyên mô hình 2 sở như hiện tại.

Như vậy, quan điểm tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính, để trực thuộc Chính phủ về thực chất là yêu cầu tăng thêm thẩm quyền và tính độc lập trong hoạt động cho Ủy ban này, nhằm tăng hiệu quả trong quản lý, phát triển TTCK. Cả Bộ Tài chính và các đại biểu quốc hội đều đã thống nhất với yêu cầu tăng thẩm quyền và tính độc lập trong hoạt động cho UBCKNN này.

Khác biệt nhỏ, là Bộ Tài chính vẫn cẩn thận yêu cầu giữ UBCKNN trực thuộc bộ, để đảm bảo thống nhất với chính sách tài chính, tài khóa…và đặc biệt là phòng trước những nguy cơ có thể xảy ra với TTCK. “Hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của UBCKNN do Thủ tướng Chính phủ quy định. Dự thảo sửa đổi Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của UBCKNN là phù hợp với Luật Tổ chức chính phủ” - Bộ trưởng Dũng lưu ý. Cách này nói này cũng hàm ý, rằng nếu UBCKNN cần có thêm quyền, thì Thủ tướng Chính có thể bổ sung quyền đó (tức là không cần bàn tới việc tách nhập và trực thuộc của Ủy ban này).

Ở đây, cần lưu ý tới ý kiến đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc lãnh đạo UBCKNN nên là lãnh đạo Bộ Tài chính "để xử lý nhanh hơn những thủ tục hành chính nếu có". Yêu cầu "xử lý nhanh hơn" của đại biểu Ngân khá tương thích với yêu cầu tăng thẩm quyền cho Ủy ban mà cả các đại biểu quốc hội và Bộ Tài chính đều đã thống nhất. Và bởi thế, cũng có thể đặt câu hỏi, rằng Bộ Tài chính đã hỗ trợ UBCKNN tới thành công nào, để đến mức cứ có ý kiến muốn Ủy ban này thuộc về cấp cao hơn, và được quyết nhiều quyền hơn, với thời gian nhanh hơn ? 

Theo Đời sống
Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Chủ tịch Vinahud đăng ký mua 20% vốn VHD

Ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM: VHD), vừa đăng ký mua gần 7,7 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ Vinahud, với mục đích "đầu tư cá nhân".
back to top