Đà Nẵng trước lúc 7 ngày 'ai ở nhà nấy'

Trong 7 ngày Đà Nẵng 'đóng băng' triệt để, khi cần hoặc gặp tình huống khẩn cấp, người dân có thể gọi đến Tổng đài 1022 để được hỗ trợ.
Lực lượng chức năng Q.Thanh Khê lập “chốt cứng” để điều phối người dân đi chợ Thanh Khê trước ngày Đà Nẵng giãn cách triệt để /// ẢNH: NGỌC HÂNLực lượng chức năng Q.Thanh Khê lập “chốt cứng” để điều phối người dân đi chợ Thanh Khê trước ngày Đà Nẵng giãn cách triệt để - ẢNH: NGỌC HÂN
Lực lượng chức năng Q.Thanh Khê lập “chốt cứng” để điều phối người dân đi chợ Thanh Khê trước ngày Đà Nẵng giãn cách triệt để

ẢNH: NGỌC HÂN

Bắt đầu từ 8 giờ ngày mai (16.8) đến 8 giờ ngày 23.8, TP.Đà Nẵng sẽ dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, cách ly tuyệt đối nhà với nhà để khống chế dịch bệnh Covid-19.

Đây được xem là giải pháp quyết liệt, chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch. Trong 7 ngày Đà Nẵng “đóng băng” triệt để, khi cần hoặc gặp tình huống khẩn cấp, người dân có thể gọi đến Tổng đài 1022 để được hỗ trợ.

Chỉ khoảng 15.000/1,1 triệu người được ra đường

Chiều qua (14.8), ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ký quyết định áp dụng bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, quy định cụ thể những người thực hiện các hoạt động được phép ra ngoài. Cụ thể, người thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19; thực hiện vệ sinh môi trường đô thị, chăm sóc cây xanh đô thị, xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông; thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước.

Theo quyết định, UBND TP.Đà Nẵng cho phép người ra đường đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm Covid-19; tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé; thực hiện tác nghiệp báo chí tối đa 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; tối đa 2 người/báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí); hoạt động tang lễ phải đảm bảo theo quy định. Riêng những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” và được xem là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định “5K”.

Tại cuộc họp báo chiều 14.8, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay trong đợt giãn cách triệt để này, chỉ còn khoảng 15.000 người ra đường (dân số Đà Nẵng khoảng 1,1 triệu người).

Tổ dân phố sẽ là đầu mối nhu yếu phẩm

Trước khi áp dụng 7 ngày “ai ở nhà nấy”, UBND TP.Đà Nẵng ban hành quy trình 5 bước cung cấp hàng thiết yếu cho người dân, từ cung ứng hàng hóa bên ngoài vào thành phố đến nhà cung ứng tổng; vận chuyển đến quận, huyện, phường, xã; từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân.

Mỗi tổ dân phố sẽ thành lập một đội cung ứng, tiếp nhận và đưa lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân. UBND các quận, huyện là đầu mối chủ động đặt hàng các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa thiết yếu, tổ chức nhận, phân phối về phường xã, tổ dân phố. Sở Công thương sẽ tổ chức chuyến xe lưu động đưa hàng hóa thiết yếu đến các khu dân cư.

Chủ tịch nước gửi lời khen Đà Nẵng về chống dịch Covid-19

Ngày 14.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng đã họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch. Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời khen thành phố trong việc phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua, động viên tất cả lực lượng phòng, chống dịch và nhân dân TP.Đà Nẵng. Đồng thời, Chủ tịch nước thể hiện sự đồng tình rất cao với quyết định của thành phố về việc bổ sung và điều chỉnh các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 05/CT-UBND thành phố.

TTXVN

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết Sở đã xác định cung ứng mặt hàng thiết yếu hết sức cơ bản, như thực phẩm khô (gạo, trứng…); mặt hàng chế biến ăn liền; thực phẩm tươi sống (thịt, cá, củ quả)... để đảm bảo thành phần hàng gọn nhẹ, dễ vận chuyển đến người dân.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, trong vòng 7 ngày tới, Đà Nẵng sẽ tập trung hỗ trợ đối tượng khó khăn, gia đình nghèo, cận nghèo, mất việc làm tạm thời, như: bán vé số, học sinh, sinh viên ở trọ, hàng rong... Đến nay, Đà Nẵng đã vận động được 30.000 suất quà giao cho quận, huyện đi phân bổ cho các hộ trú tại các địa phương từ ngày 16.8.

Siêu thị không phục vụ khách tại chỗ

Theo ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, trong 7 ngày giãn cách mức độ cao, siêu thị không phục vụ khách tại chỗ, không nhận đơn hàng trực tuyến mà chỉ nhận đơn qua Tổ Covid-19 cộng đồng/tổ trưởng tổ dân phố, mỗi combo gồm rau xanh và thịt các loại. Trong khi đó, siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng từ 13 - 15.8 tăng lượng thực phẩm thiết yếu lên khoảng 7 lần, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống như cá, thịt. Các siêu thị như Co.opmart, Big C, MM Mega Market, Vinmart cũng đang tăng tối đa nguồn cung từ 3 - 6 lần.

Theo Sở Công thương, hiện có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang có kế hoạch chung sức cùng Đà Nẵng đảm bảo thực phẩm cho người dân trong thời gian từ 16 - 23.8, trước mắt tài trợ 30.000 suất quà nhu yếu phẩm, 1.500 tấn rau củ quả cho gia đình khó khăn. “Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu được cấp thẻ ưu tiên để hoạt động. Để đảm bảo nguồn nhân sự, Đà Nẵng không áp dụng 3 tại chỗ đối với siêu thị, đơn vị phân phối”, bà Phương cho biết.

Bao phủ xét nghiệm, kiểm soát F0, nguồn lây

Trao đổi với PV Thanh Niên tại cuộc họp báo ngày 14.8, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết vì biến thể Delta đã quá nguy hiểm, mức lây lan nhanh, diễn tiến bệnh nặng nên Đà Nẵng siết chặt trong 7 ngày tới để kiểm soát ở mức cao nhất. Theo bà Yến, đây là cơ hội để rà soát, phát hiện dịch trên diện rộng, với độ bao phủ xét nghiệm rộng khắp tất cả các hộ gia đình trên toàn địa bàn thành phố. Từ đó phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, giảm thấp nhất sự lây lan.

Dự kiến trong 7 ngày tới, y tế Đà Nẵng sẽ dốc toàn lực lượng để xét nghiệm tất cả đại diện hơn 330.000 hộ gia đình trên toàn thành phố. Riêng các khu phong tỏa, khu điểm nóng, nguy cơ về dịch bệnh thì 100% người dân đều phải được xét nghiệm; sẽ thực hiện xét nghiệm 2 lần, (lần 1 là 16 - 18.8 và lần 2 là 19 - 21.8), cứ cách 3 ngày xét nghiệm một lần. Đây là kế hoạch xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay của Đà Nẵng.

Theo đánh giá của bà Yến, việc xét nghiệm diện rộng sẽ giúp địa phương kiểm soát lây lan, kiểm soát gia tăng F0, khiến hệ thống tiếp nhận và điều trị Covid-19 không bị quá tải. Hiện năng lực điều trị Covid-19 của Đà Nẵng đang ở mức tối đa cho 6.000 ca mắc, trong số này có khoảng 300 giường ICU (hồi sức tích cực) gồm cả hệ thống hỗ trợ ô xy, máy thở, lọc máu, ECMO (tim, phổi nhân tạo).

“7 ngày tới sẽ không còn các chốt kiểm soát trong nội ô Đà Nẵng nữa, chỉ còn chốt cửa ngõ. Khi xe hàng vào thì test nhanh, mặc đồ bảo hộ để đưa hàng vào kho và ra khỏi Đà Nẵng. Hàng hóa đi qua cảng sẽ vẫn đảm bảo diễn ra bình thường thông qua luồng xanh. Sau 7 ngày, Đà Nẵng sẽ phân định rõ “vùng xanh, đỏ, cam, vàng”. Đà Nẵng phấn đấu trong 7 ngày sẽ kiểm soát được dịch bệnh, trước ngày 25.8 như Chính phủ chỉ đạo”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

Theo thanhnien.vn
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top