"Nhà máy" sản xuất “thần dược”
Theo tìm hiểu của PV Khoa học & Đời sống thì sản phẩm Dạ dày Bình Bị An được sản xuất tại Công ty Cổ phẩn Truepharmco do Trần Bá Trung đứng đầu. "Nhà máy” của công ty này trước đây tại số 122, ngõ 143, đường Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đó là một ngôi nhà cấp 4, lụp xụp, rộng khoảng 45m2 rất chật hẹp.
Khi PV đến địa chỉ này, bên trong là một xưởng cắt khung nhôm. Một người làm trong xưởng cho biết, Truepharco đã chuyển đi từ lâu. Như vậy, hàng triệu người dùng phải sản phẩm được quảng cáo như thần dược đã từng ra lò tại đây.
Tiếp tục lần theo cái tên Công ty Cổ phần Truepharmco, PV tìm ra địa chỉ đơn vị này chuyển đến số nhà 18, TT6, KĐTM Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội. Nhưng người đứng đầu là Phạm Văn Trường.
Có một điểm chung không chỉ đối với sản phẩm Dạ dày Bình Vị An mà với rất nhiều sản phẩm khác có liên quan đến Truepharmco đó là thông tin, địa chỉ sản xuất, phân phối trong các bài quảng cáo sai sự thật rất mờ nhạt và không đồng nhất. Có lúc, nhóm này ghi sản phẩm được sản xuất tại thôn Nghĩa Hào, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Có lúc, ghi là sản xuất tại Công ty Cổ phần Truepharmco, có lúc ghi là của Nhà thuốc Đông y Mộc Hoa Đường.
Sự bất nhất này cùng với thủ đoạn ăn cắp các bản tin của VTV, VTC để quảng cáo lặp đi lặp lại ở nhiều sản phẩm.
Ngôi nhà lụp xụp từng là "đại bản doanh" của nhóm lừa đảo chuyên sản xuất hàng giả. |
Mạng lưới Đông y lừa đảo lộ diện
Với tư cách là bệnh nhân dạ dày, PV Khoa học & Đời sống hỏi mua sản phẩm Dạ dày Bình Vị An. Ngay lập tức, nhân viên tư vấn đọc như máy về tác dụng của thuốc. Tùy từng thể trạng của từng người mà bệnh tiến triển khác nhau. Có người chỉ cần uống hơn 1 tháng đã khỏi, có người phải uống 2 – 3 tháng.
Mỗi sản phẩm này có giá bán 550.000đ, và muốn có hiệu quả thì bệnh nhân phải bỏ ít nhất là 1.100.000đ. Sau đó đổi lấy sự thất vọng.
Khi PV hỏi đến độ an toàn của sản phẩm, sản phẩm có giấy phép hay không? Nhân viên tư vấn nói ngay là sản phẩm chỉ lưu hành nội bộ, sau khi nhận đơn khách hàng đặt thì nhà thuốc mới bào chế.
Tuy nhiên, có thể thấy, đây chỉ là chiêu trò của nhóm người lừa đảo này nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Như bài trước Khoa học & Đời sống đã phản ánh, nhóm người này đã ăn cắp clip của VTV, VTC ghép với nhãn sản phẩm để quảng cáo, đánh lừa bệnh nhân dạ dày. Số lượng người tiếp cận với các chiêu thức quảng cáo lừa đảo này lên đến hàng triệu người.
Chưa hết, tư vấn viên còn khẳng định, sản phẩm này thuộc Đông y Mộc Hoa Đường – đã được cấp phép bán hàng.
Sau đó ít lâu, PV đề nghị đến trực tiếp để khám bệnh và mua sản phẩm luôn thì nhân viên tư vấn hướng dẫn đến Nhà thuốc Đông y Phụ Tử Đường, ở số 7, ngõ 102, Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Đáng nói, địa chỉ này cũng có tên khác là Thiệu Khang Đường, một trong những mắt xích trong nhóm Đông y lừa đảo vừa bị Bộ Y tế triệt hạ cách đây không lâu.
Đến đây, đường dây lừa đảo đội lốt Đông y bắt đầu lộ diện với cùng một chiêu thức, thủ đoạn. Vậy Mộc Hoa Đường, Thiệu Khang Đường, Phụ Tử Đường, Công ty Cổ phẩn Truepharmco, Dạ Dày Bình Vị An, An Phế Khang... là gì? Có mối liên hệ gì với nhau?
Báo Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này!