Cướp 1 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc, nhóm đối tượng đối mặt án phạt nào?

Liên quan vụ người phụ nữ bị cướp 1 tỷ đồng sau khi vừa rút ở ngân hàng ở Vĩnh Phúc khiến nhiều độc giả đặt câu hỏi, nhóm đối tượng cướp số tiền lớn như vậy sẽ bị xử lý ra sao?
Ngày 14/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Hoài Nam (SN 1999, trú phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) và Nguyễn Văn Hùng (SN 1992, trú thôn Bắc Thắng, xã Liên Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), đồng thời truy nã đặc biệt với Dương Đức Luân (SN 2000, trú thôn Như Lăng, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) về tội Cướp giật tài sản. Theo đó, do nợ nần nhiều và thiếu tiền tiêu xài, 3 đối tượng đã bàn nhau rồi lên kế hoạch cướp 1 tỷ đồng của người phụ nữ vừa rút tiền ở ngân hàng về xảy ra tại đường Mê Linh, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên.
Cuop 1 ty dong o Vinh Phuc: Nhom doi tuong nhan khung phat nao?

Nguyễn Hoài Nam (bìa trái) và Nguyễn Văn Hùng tại cơ quan Công an.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng này là rất manh động, liều lĩnh và có tổ chức. Tuy nhiên, sự việc diễn ra giữa ban ngày, có nhiều người làm chứng và có hình ảnh từ camera an ninh nên việc bắt giữ các đối tượng này chỉ còn là thời gian. Đây là hành vi cướp giật tài sản với số tiền đặc biệt lớn. Hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội cướp giật tài sản quy định tại điều 171 Bộ luật Hình sự. Hình phạt có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Cuop 1 ty dong o Vinh Phuc: Nhom doi tuong nhan khung phat nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường cho biết thêm, khác với tội cướp tài sản là dùng vũ lực đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác khiến nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cướp giật tài sản có tính chất "ít nguy hiểm hơn" đó là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực mà chỉ nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Tuy nhiên, những hành vi cướp giật tài sản khi nạn nhân đang đi đường có thể khiến nạn nhân ngã gây ra thương tích hoặc thiệt mạng. Ngoài ra có những trường hợp nạn nhân giằng co thì đối tượng sẵn sàng dùng hung khí để chống trả. Trong những tình huống nếu chưa chiếm đoạt được tài sản và nạn nhân giằng co, đối tượng dùng hung khí, vũ khí, vũ lực với nạn nhân để chiếm đoạt thì khi đó từ tội cướp giật chuyển sang tội cướp tài sản do yếu tố dùng vũ lực đã xuất hiện.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng còn có hành vi sử dụng vũ lực thì sẽ làm rõ hành vi sử dụng vũ lực là để tẩu thoát hay để chiếm đoạt tài sản. Nếu hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản (khi đang giằng co với nạn nhân) thì sẽ chuyển tội danh sang tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 BLHS, nếu dùng vũ lực để tẩu thoát, chống trả lực lượng chức năng và người dân khi đuổi bắt thì không chuyển tội danh tuy nhiên đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Trường hợp các đối tượng này chống trả lực lượng truy bắt hoặc người dân truy bắt mà gây ra thương tích hoặc thiệt mạng cho người khác thì có thể bị xử lý về tội giết người, cố ý gây thương tích... Ngoài ra các đối tượng này cũng có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức về hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Với diễn biến qua clip cho thấy các đối tượng sử dụng hai xe máy để thực hiện hành vi cướp giật tài sản, có sự phân công phối hợp chặt chẽ (đối tượng lái xe để tiếp cận với nạn nhân, đối tượng cướp giật tài sản của nạn nhân khi thời cơ thuận lợi, đối tượng còn lại khóa đuôi, ngăn cản việc truy đuổi của nạn nhân và người khác) nên phạm tội trong những trường hợp như thế này được xác định là "phạm tội có tổ chức", đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 52 của BLHS. Các đối tượng này đã có dự mưu, bàn tính, phân công nhiệm vụ từ trước nên đã theo dõi nạn nhân từ khi rút tiền ở ngân hàng và đi theo nạn nhân về đến nhà, khi nạn nhân bước xuống xe là lúc sơ hở nhất thì các đối tượng này ra tay cướp giật tài sản rồi tẩu thoát.
>>> Xem thêm video: Đồng Tháp: Tạm giam 2 đối tượng bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản

Nguồn: ĐTHĐT.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top