COVID-19: Biến thể Eta có nguy hiểm không?

Biến thể Eta nằm trong danh sách “biến thể cần quan tâm” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hiện đang được các nhà khoa học theo dõi do có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm và hiệu quả của vaccine COVID-19.

Ngày 9/9, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã xác nhận 18 ca nhiễm biến thể Eta của virus SARS-CoV-2. Đây là những ca đầu tiên nhiễm biến thể Eta được ghi nhận tại nước này. Trước đó, vào hồi đầu tháng 8, Ấn Độ cũng ghi nhận một ca dương tính với chủng virus này sau khi người đó từ Dubai trở về. Ngoài ra, có 2 trường hợp mắc biến thể Eta đã được phòng thí nghiệm virus Nimhans phát hiện từ tháng 4/2020.

Biến chủng Eta được phát hiện lần đầu tiên tại Vương quốc Anh và Nigeria vào tháng 12/2020 và đã lưu hành ở hơn 70 quốc gia. Hiện tại, với sự phổ biến của nhiều biến thể khác, điều quan trọng là phải hiểu biến thể Eta có khả năng gì và liệu nó có là một nguồn đáng lo ngại hay không.

Biến thể Eta là gì?

Biến thể Eta, hay còn gọi là B.1.525, mang đột biến E484K giống như đột biến được tìm thấy trong các biến thể Gamma, Zeta và Beta, song chủng virus này không chứa đột biến N501Y như Alpha, Beta, Gamma.

Theo các báo cáo, chủng virus này cũng mang cùng một loại axit amin histidine và valine ở vị trí 69 và 70, được tìm thấy trong biến thể Alpha, N439K (B.1.141 và B.1.258) và biến thể Y453F.

WHO cho biết biến thể Eta khác với tất cả các biến thể khác vì nó mang cả đột biến E484K và F888L. Phản ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng hoặc nhiễm virus trước đó có thể kém hiệu quả hơn đối với các biến thể mang đột biến E484K, trong khi đó, F888L đang được các nhà khoa học theo dõi.

Biến thể Eta có đáng lo ngại không?

Biến chủng Eta của virus SARS-CoV-2 có thể làm giảm khả năng trung hòa bằng huyết thanh trong thời kỳ dưỡng bệnh và sau tiêm chủng, đồng thời giảm tác dụng của một số biện pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Hiện tại, biến thể Eta vẫn chưa phải là “Biến thể đáng lo ngại” (VOC) và vẫn tiếp tục là “Biến thể cần quan tâm' (VOI). Theo WHO, VOI là một biến thể SARS-CoV-2 với những thay đổi di truyền được dự đoán gây ảnh hưởng đến các đặc điểm của virus như khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng thoát miễn dịch, chẩn đoán hoặc điều trị. Nhóm VOI cũng được xác định là gây ra sự lây truyền cộng đồng đáng kể hoặc nhiều cụm COVID-19, ở nhiều quốc gia với tỷ lệ lưu hành ngày càng tăng, hoặc các tác động dịch tễ học rõ ràng khác cho thấy một nguy cơ mới đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay biến thể Eta chưa được quan tâm nhiều do khả năng lây truyền và tỷ lệ nghiêm trọng không cao bằng các loại biến thể khác./.

Theo vov.vn
Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Xuất huyết não vì tự ý bỏ thuốc huyết áp

Khi ngừng thuốc trị tăng huyết áp đột ngột, huyết áp có thể tăng lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn,...
back to top