Công ty TNHH Grab “vênh” với Sở GTVT TP Đà Nẵng?

Công ty TNHH Grab chưa được Sở GTVT TP Đà Nẵng cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định, nhưng đã ký kết với 5 HTX vận tải tại TP Đà Nẵng với hơn 2.700 ôtô hoạt động qua ứng dụng, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Theo văn bản kiến nghị số 1792/SGTVT-QLVTPTNL, Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay, từ kết quả thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, Công ty TNHH Grab (trụ sở tại 1060 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải bằng ô tô theo hình thức hợp đồng điện tử với 5 đơn vị vận tải trên địa bàn.

Cụ thể, HTX dịch vụ vận tải Minh Hưng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 14/2020/DNC/GC-HDHTKD ngày 25/5/2020 với Công ty TNHH Grab để kinh doanh vận tải thông qua kết nối với ứng dụng Grab 409 xe. HTX An Khánh EMT Đà Nẵng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 13/2020/DNC/GC-HDHTKD ngày 25/5/2020 với số lượng 1.020 xe. HTX Kim Long ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 15/2020/DNC/GC-HDHTKD ngày 09/6/2020 với 252 xe. HTX Cùng Kinh Doanh ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04/2020/DNC/GC-HDHTKD ngày 1/4/2022 với số lượng 473 xe. HTX kinh doanh vận tải AHP-CN Đà Nẵng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 03/2020/DNC/GC-HDHTKD ngày 1/4/2020 với 582 xe.

Theo nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải nêu trên, Công ty TNHH Grab sẽ tham gia xác định giá cước và điều hành lái xe dựa trên ủy quyền của các HTX kinh doanh vận tải. Việc tham gia quyết định giá cước và điều hành lái xe chứng minh hoạt động của Công ty TNHH Grab tại địa bàn Đà Nẵng là hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng điện tử.

Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng, việc các đơn vị vận tải tại Đà Nẵng ký hợp đồng hợp tác, ủy quyền cho doanh nghiệp ngoài địa phương xác định giá cước, điều hành lái xe hiện chưa có quy định rõ ràng trong quản lý.

Tại văn bản gửi Bộ GTVT, Sở GTVT TP Đà Nẵng nêu 2 quan điểm trong công tác quản lý vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng điện tử nêu trên tại địa phương. Quan điểm thứ nhất, Công ty TNHH Grab hiện chỉ được Sở GTVT TP HCM cấp Giấy phép kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, công ty này không đặt trụ sở chi nhánh tại Đà Nẵng và chưa được Sở GTVT TP Đà Nẵng cấp giấy phép kinh doanh vận tải nên hoạt động kinh doanh vận tải của Grab tại Đà Nẵng là sai quy định.

Quan điểm thứ hai, Công ty TNHH Grab đã được Sở GTVT TP HCM cấp Giấy phép kinh doanh vận tải và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh vận tải đã được Sở GTVT TP Đà Nẵng cấp phép. Vì vậy, hoạt động của công ty trên địa bàn Đà Nẵng là đúng quy định. Tuy nhiên, việc công ty này không có chi nhánh tại Đà Nẵng lại gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động vận tải tại địa phương.

Điểm d, khoản 3, Điều 34, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định Đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô: "Trong trường hợp có từ 2 đơn vị kinh doanh vận tải trở lên hợp tác để cùng kinh doanh vận tải phải có hợp đồng hợp tác, trong nội dung hợp đồng phải thể hiện: Đơn vị nào chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa, quyết định giá cước vận tải và các nội dung theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này".

Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thực thi đúng văn bản quy phạm pháp luật, Sở GTVT TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ GTVT làm rõ quan điểm, quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty TNHH Grab với các đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, hiện nay, Hiệp hội có tổng cộng 8 đơn vị kinh doanh vận tải taxi với số lượng taxi theo quy hoạch của TP Đà Nẵng là 1.700 chiếc. 8 doanh nghiệp trên đã đạt con số quy định, không được phát triển thêm.

Trong khi đó, hoạt động của Công ty TNHH Grab trên địa bàn không nằm trong quy hoạch số lượng taxi của TP Đà Nẵng mà số lượng đã trên 2.700 đầu xe. Điều này không chỉ "phá vỡ" quy hoạch xe kinh doanh vận tải trên địa bàn, mà còn gây nên cạnh tranh không bình đẳng và bát nháo ở lĩnh vực này.

Mặt khác, việc đăng ký, niêm yết giá của Grab cũng không rõ ràng, minh bạch như taxi truyền thống. Grab cũng không đào tạo, quản lý tài xế như taxi truyền thống, dễ dẫn đến tình trạng gian lận, chặt chém giá, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường du lịch.

Ông Tâm kiến nghị cơ quan chức năng cần có quản lý rõ ràng và cần quy định "quota" cho Grab giống như các đơn vị kinh doanh vận tải khác, nhằm đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh./.

Theo Đời sống
back to top