Công ty môi giới nào liên quan tới vụ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Ý?

Tất cả các giao dịch xuất khẩu điều qua Ý nói trên đều được các doanh nghiệp Việt Nam ký kết với đối tác thông qua môi giới là công ty Kim Hạnh Việt.

Vừa qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu điều nhân sang Ý thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt với số lượng gần 100 container trị giá hàng trăm triệu USD nhưng không nhận được tiền thanh toán và có nguy cơ mất hàng.

Theo các thông tin được cung cấp từ website của công ty, Công ty Kim Hạnh Việt được thành lập năm 2007, cung cấp dịch vụ môi giới xuất khẩu các sản phẩm hạt điều thô và hạt điều nhân Việt Nam ra thế giới.

Đơn vị này cũng nhập khẩu hạt điều từ châu Phi, Indonesia vào Việt Nam. Công ty có trụ sở tại phường An Bình, quận 2, TPHCM.

Giám đốc công ty này là bà Huỳnh Kim Hạnh hiện đang định cư ở Mỹ. Khi môi giới, các doanh nghiệp chỉ liên lạc với bà Hạnh qua tin nhắn chứ không gặp mặt trực tiếp.

Hiện đã có 36 container với giá trị 7,025 triệu USD (tương đương 162 tỷ đồng) đã được các doanh nghiệp gửi sang Ý và Thổ Nhĩ Kỳ qua các hãng tàu Cosco, Yangming, HMM, One… đã và đang đến một số cảng ở Ý. Tuy nhiên, một số chứng từ gốc đã bị thất lạc.

Phát hiện có yếu tố lừa đảo, các doanh nghiệp đã kịp thời ngừng giao dịch số container còn lại.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) có văn bản hỏa tốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, Thương vụ Việt Nam tại Ý đề nghị hỗ trợ trong tình huống "khẩn cấp”.

Ngay khi nắm bắt thông tin về vụ việc, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tham tán Thương mại tại Italy trực tiếp đến các cảng Genova, Napoli là những nơi mà các lô hàng được đưa đến, làm việc với đơn vị quản lý cảng, hãng tàu.

Đồng thời làm việc với ngân hàng và chính quyền địa phương, đề nghị tạm thời chưa tiến hành giao hàng để có thời gian làm rõ vụ việc.

Tại các buổi làm việc, ngân hàng có liên quan cho biết họ nhận được 9 túi hồ sơ, nhưng bên trong là giấy trắng.

Hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về vụ việc. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó có kênh cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước.

Các doanh nghiệp nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, các nghĩa vụ của mỗi bên, các trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường, ...

Các doanh nghiệp cũng lưu ý các biện pháp phòng ngừa và quản trị rủi ro; trong đó có việc mua bảo hiểm đầy đủ và chủ động thuê tàu, kiểm soát các khâu trong chuỗi logistics.

Theo Đời sống
back to top