Côn trùng đẻ trứng vàng là điều thực tế.
Có của không biết dùng
Việt Nam là nước nước khí hậu nóng ẩm rất phù hợp cho côn trùng phát triển phong phú. Hiện chưa có công bố chính thức bao nhiêu loài côn trùng ở Việt Nam đã được xác định, nhưng ước tính không thể dưới 100.000 loài, trong đó nhiều loài còn là loài mới cho khoa học. Số lượng loài côn trùng ở nước ta đã định loại được có thể vào khoảng 7.000 loài, trong đó chỉ có chừng 5 – 8% là các loài gây hại.
Nếu con người biết khai thác hợp lý tài nguyên côn trùng như nhiều nước đã làm sẽ mang lại nguồn lợi đáng kể cho phát triể kinh tế – xã hội.
Ví dụ chỉ tính riêng trong lĩnh vực y học cổ truyền, côn trùng là một nguồn dược liệu vô cùng quý giá. Có tới hơn 40 loài côn trùng là vị thuốc trong các bài thuốc đông y.
Bọ ngựa chữa viêm họng; tò vò có tác dụng giải độc tiêu sưng, làm se, chữa thổ tả, sốt rét; giòi ruồi có tác dụng chống nhiễm trùng vết thương; nọc ong, mật ong, sữa ong chúa, kiến, mối có thể dùng để chữa bệnh thấp khớp, cai nghiện ma tuý, bệnh viêm phế quản, viêm ruột, viêm bàng quang, các loại bệnh phù thũng…
Theo kinh nghiệm dân gian côn trùng được sử dụng như loại thực phẩm bổ âm tráng dương có tác dụng tăng lực.
Côn trùng còn được biết đến là nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, côn trùng có độ đạm cao. Ví dụ 100gr châu chấu có tới 24,3gr protein;100gr nhộng cung cấp 13gr protein. Nếu so sánh với những loại đạm chuẩn như thịt gà thì lượng đạm trong loài côn trùng như châu chấu còn cao hơn trong thịt gà (100gr thịt gà nạc có 20,3gr protein (ít hơn so với châu chấu), cung cấp năng lượng 199kcal.
Ngoài ra các côn trùng còn giàu hàm lượng canxi và vi khoáng: 100gr châu chấu cung cấp 210mg canxi, cao gần 10 lần so với thịt gà, thịt lợn (100gr thịt gà nạc cung cấp 12mg canxi, 200mg phospho).
Trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức,Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan, Malaysia, Australia … đã có những cửa hiệu buôn bán côn trùng và những sản phẩm được làm từ côn trùng.
Ví dụ 1 con bọ kìm (Lucanidae, Coleoptera) có giá tới 88.000 USD. Ở Việt Nam, năm 1994, người Nhật đã mua một con bướm phượng 10 đuôi (Teinopalpus imperialis Hope) với giá 1.000 USD. Chỉ tính riêng ở Mỹ hàng năm đạt 125 triệu USD nhờ kinh doanh từ các sản phẩm liên quan đến côn trùng.
Ở nhiều nước trên thế giới 1kg trứng kiến có giá 350 USD. Trong diện tích 20m2 có thể đặt 100 hộp cactông (20x30x40 cm) nuôi kiến. Mỗi hộp sau 2 tháng có thể thu 100gr trứng kiến. Như vậy sau 2 tháng, trong diện tích 20m2 có thể thu được 10kg trứng kiến và bán được 3.500 USD.
Trong khi nước ngoài rất biết khai thác thế mạnh từ côn trùng, thì ở nước ta, việc tận dụng côn trùng gần như rất ít được chú ý. Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung vào việc nuôi ong, nuôi tằm, nuôi cánh kiến… Tuy nhiên đây chỉ là một số rất ít trong số hàng vạn loài đang sinh tồn trên lãnh thổ nước ta.
Thực tế, việc nhân nuôi bò cạp, cà cuống, dế đã được một số người thực hiện thành công. Tuy nhiên, số lượng này còn rất ít, quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát và chưa thật sự bền vững.
Đơn cử cách đây mấy năm, phong trào ăn thức ăn từ côn trùng khá phát triển. Tuy nhiên, hiện giờ phong trào này đã “thoái lui”. Một phần vì người dân chỉ chọn món ăn từ côn trùng theo “mốt” chứ chưa thật sự hiểu về thức ăn côn trùng.
Ngoài ra, việc nhân nuôi không bền vững, khiến cho ngay cả nếu cung phát triển thì cầu cũng không đáp ứng kịp. Điều này cho thấy việc khai thác tài nguyên côn trùng không có cơ sở khoa học và không xây dựng được một nghề, một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh.
Đẩy mạnh nhân nuôi
Hiện nay những nghiên cứu về côn trùng ở nước ta rất hạn chế. Ví dụ trong lĩnh vực y học dân tộc cổ truyền, các sản phẩm từ côn trùng vẫn chỉ nằm dưới dạng các bài thuốc dân gian chứ chưa có những công trình nghiên cứu khoa học bài bản, nghiêm túc để đánh giá hết khả năng của côn trùng.
Điều quan trọng lúc này là phải có những chương trình điều tra, nghiên cứu một cách cụ thể. Phải hiểu rằng, việc nhân nuôi côn trùng là không khó. Nuôi dế, nuôi bọ xít, nuôi cà cuống … không khó hơn so với nuôi gà, nuôi lợn.
Việc phát triển mô hình nhân nuôi côn trùng sẽ mang lại nhiều lợi ích như bảo tồn sự đa dạng sinh học, người dân có thêm nghề mới, xóa đói giảm nghèo ở những vùng đất đai cằn cỗi, cung cấp nguồn thực phẩm cũng như nguyên liệu làm thuốc cho xã hội. Tuy nhiên, nuôi con gì, cần phải có những nghiên cứu cụ thể, tránh nhân nuôi một cách ồ ạt thiếu cơ sở khoa học và công nghệ.
GS.TS Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học