Một đoạn quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm được tung ra trong chiến dịch quảng cáo của Phoenik Pharma.
Thực phẩm nhưng quảng cáo là thuốc
Theo quảng cáo, Colon là sản phẩm bổ sung lợi khuẩn cho người bị viêm đại tràng, bệnh đường ruột cấp và mãn tính. Thực phẩm Colon có chứa 60 tỷ (3 x 10^9 x 20) bào tử lợi khuẩn với 2 chủng bào tử lợi khuẩn sống B.subtillis & B.clausii trong cùng 1 ống 5ml. B.subtillis tạo ra lớp màng sinh học BW làm mềm cấu trúc phân, tăng độ nhớt của phân, giúp nhuận tràng, đại tiện dễ dàng kể cả trường hợp táo bón nặngSản sinh các men tiêu hóa như amylase, protease và lipase…, kích thích miễn dịch hoạt động, phòng tránh nhiễm khuẩn. Có khả năng nảy mầm và phát triển mạnh trong điều kiện yếm khí khắc nghiệt ở đại tràng.
Lớp giáp “bào tử” giúp lợi khuẩn chịu được nhiệt độ cao tới 80 độ C (lợi khuẩn thường chết 95% ở 40 độ C). Chịu được độ axit tới pH2 tại dạ dày (lợi khuẩn thường không chịu được axit), thời gian sống dài tới 3 năm (lợi khuẩn thường chết trên 90% sau 6 tháng), chịu được kháng sinh & hóa trị/xạ trị nên dùng chung được với các bệnh nhân đang dùng kháng sinh hay phác đồ điều trị có dùng hóa/xạ trị.
Còn B.subtillis Sản sinh các nhóm vitamin B, giúp tăng cường sức đề kháng khiến cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Sản sinh các men tiêu hóa tự nhiên như amylase và protease hỗ trợ hệ tiêu hóa…
Từ những cơ sở như trên, Phoenik Pharma Việt Nam khẳng định: Chỉ cần 3 – 4 tháng điều trị bệnh sẽ chấm dứt. Khằng định thày thông qua các bài viết PR về sản phẩm trên trang colon.vn.
Cụ thể: Trong bài viết: “Bào tử lợi khuẩn chữa bệnh gì? Cách dùng bảo tử lợi khuẩn hiệu quả”, Phoenick Pharma Việt Nam khẳng định: “Liều điều trị chấm rứt bệnh trong 3 đến 4 tháng. Trong đó, 2 tuần đầu tiên, mỗi ngày người bệnh uống 3 ống. Các tuần tiếp theo dùng mỗi ngày 2 ống. Bào tử lợi khuẩn có tác dụng nhanh hay chậm tùy thuộc và tình trạng bệnh và cơ địa của mỗi người. Thông thường, chỉ sau 3 – 5 ngày thì phần không còn nát/lỏng/ sống. Sau 10 – 15 ngày, phân sẽ thành khuôn. Và sau 3 – 4 tháng bệnh sẽ chấm rứt”.
Không những thế, Phoenick Pharma còn khẳng định thực phẩm Colon là thuốc: “Người bệnh nên uống tối thiểu 2 hộp mới thấy rõ được tác dụng của thuốc. Đặc biệt, không nên ngừng uống khi chưa thấy tiến triển gì ngay”.
Hàng loạt bài viết khẳng định thực phẩm Colon là thuốc và có tác dụng “chữa bệnh”, “trị”, “thoát khỏi”… cũng được sử dụng để quảng cáo.
Chẳng hạn, trong bài PR “Bào tử lợi khuẩn chữa viêm đại tràng thế nào? Cách dùng bào tử lợi khuẩn”, Phoenik Pharma nói rõ, thực phẩm Colon có tác dụng “chữa bệnh”. Thậm chí, không chỉ chữa được bệnh viêm đại tràng và bệnh đường ruột cấp và mãn tính mà sản phẩm này còn chữa cả bệnh dạ dày: “Nếu bị đau dạ dày, bệnh nhân nên uống bào tử lợi khuẩn trước khi ăn khoảng 30 đến 1 tiếng để COLON phát huy tốt hiệu quả chữa bệnh”.
Colon được quảng cáo là chữa bệnh viêm đại tràng, đường ruột cấp, mãn tính và cả bệnh dạ dày.
Trái quy định của pháp luật
Rất nhiều chiến dịch quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm đã được Phoenik Pharma tung ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Điều này là trái với quy định tại khoản c, d, Điều 7, Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế: “c) Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; d) Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.
Ngoài ra, tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 cũng nêu rõ: “4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.
Hiện tại, những thông tin quảng cáo trái quy định này vẫn đang được chia sẻ rầm rộ. Tuy nhiên, phía Phoenik Pharma không cung cấp thông tin cho báo Khoa học & Đời sống, mặc dù PV báo đã liên hệ làm việc.
Vậy thực hư tác dụng của Colon bổ sung bào tử lợi khuẩn đến đâu? Có thật chữa được bệnh viêm đại tràng, bệnh đường ruột cấp, mãn tính và cả bệnh dạ dày như quảng cáo hay không? Báo Khoa học & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin trong bài tiếp theo.
Quách Dương