Biến kim loại thông thường thành vàng
Thông tin trên một số tờ báo, một nhóm chuyên gia tại Viện Hóa học – Vật lý học Đại Liên vừa công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Science Advances, mô tả cách họ biến chất đồng thông thường trở thành một chất liệu “gần như giống hệt” vàng và bạc. Thứ vật liệu gốc từ đồng này đóng vai trò chất xúc tác trong thí nghiệm sản xuất rượu từ than đá – một phản ứng mà chỉ có những kim loại quý như vàng mới đủ khả năng thực hiện. Họ đã thiêu đốt một mảnh đồng nhỏ bằng luồng khí argon nóng tích điện.
Quá trình này làm các nguyên tử của đồng bị tích điện, trong khi những hạt electron của chúng trở nên nặng và ổn định hơn khiến chất liệu này biến đổi giống với vàng hơn về khả năng chống xói mòn, oxy hóa và nhiệt độ cao. Chất liệu mới có thể thay thế chất vàng và bạc đắt tiền trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử. Ước tính, bên trong 40 chiếc điện thoại thông minh có thể chứa lượng vàng nhiều bằng một tấn quặng.
Thời xa xưa, nhiều nhà giả kim đã tìm cách tạo ra vàng từ các loại vật chất khác. Thậm chí cho tới tận bây giờ vẫn có một số tin đồn rằng đã có một số người trong số họ thành công. Thực tế không phải vậy. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Tổ chức Giáo dục khoa học của Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, vàng là một nguyên tố hóa học, không phải một hợp kim. Mỗi nguyên tố hóa học được đặc trưng bởi số lượng proton có trong hạt nhân của mỗi nguyên tử của nó. Vàng là nguyên tố mà mỗi hạt nhân có chứa 79 proton. Nhiều hơn 1 proton thì ta có thủy ngân (80), còn ít hơn 1 proton thì ta có platinum - hay còn gọi là bạch kim (78).
Trong phản ứng hóa học, số proton (cũng như netron) của các hạt nhân nguyên tử hoàn toàn không thay đổi. Các proton và neutron trong hạt nhân được liên kết với nhau rất chặt chẽ bởi tương tác mạnh. Để tách một proton hoặc neutron ra khỏi hạt nhân, bạn cần một năng lượng cực lớn, lớn hơn rất nhiều lần năng lượng sinh ra trong bất cứ phản ứng hóa học nào. Do đó, về lý thuyết, việc tạo ra vàng vẫn có thể thực hiện được. Bạn chỉ cần thêm 1 proton cho hạt nhân platinum hoặc bớt 1 proton khỏi hạt nhân thủy ngân.
Không khả thi
Để tạo ra vàng, về lý thuyết, bạn cần có một máy gia tốc hạt cực mạnh để bắn phá một hạt (chẳng hạn 1 neutron) vào hạt nhân platinum hoặc thủy ngân ở vận tốc cực lớn. Tất nhiên, platinum thường xuyên cạnh tranh về giá với vàng nên bạn sẽ chẳng dại dùng nó, vì thế cứ coi như ta sẽ làm việc này với thủy ngân. Sau khi bắn phá như vậy liên tiếp một thời gian, bạn sẽ có một lượng vàng khá là khiêm tốn.
Tiếp đó, bạn cần biết rằng phần lớn vàng được tạo thành từ cách này là vàng phóng xạ, sinh ra do phân rã phóng xạ sau khi thủy ngân bị bắn phá. Vàng phóng xạ rất độc hại và chưa kể theo thời gian sẽ tiếp tục phân rã để không còn là vàng nữa. Việc lọc vàng không phóng xạ khỏi vàng phóng xạ rất phức tạp, vì khi chúng cùng là vàng thì bạn không dùng những phương pháp hóa học thông thường để tách chúng ra được.
Rõ ràng, ngay cả khi ai đó có sẵn một máy gia tốc và cho bạn toàn quyền sử dụng, thì chi phí vận hành nó, phân tách vàng phóng xạ thu được và còn chưa tính tới những rủi ro khác đã tốn kém hơn rất nhiều so với số tiền bạn thu được khi bán số vàng đó. Do đó, việc tạo ra vàng để phục vụ vấn đề kinh tế là hoàn toàn bất khả thi. Còn với những nhà giả kim cổ đại không có kiến thức về cấu trúc hạt nhân và càng không có một cỗ máy gia tốc thì hiển nhiên việc họ tạo ra vàng là không thể.
GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt cho biết, thực tế những kim loại giống với vàng có rất nhiều, nhưng nó không phải là vàng. Việc tạo ra vàng từ các kim loại khác hiện vẫn là điều không thể, không khả thi.
GS.TSKH Phan Trường Thi cho biết, có thể có tình trạng người ta mạ vàng vào một hợp kim có khối lượng riêng gần bằng vàng để đi lừa người khác bán kiếm lời. Không có chuyện có thể làm ra vàng giống hệt như tự nhiên.