Theo Bộ Y tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hấp dẫn và thu hút giới trẻ như hướng đến phong cách sống thời thượng; kiểu dáng, hương vị đa dạng, hấp dẫn (gấu, hộp sữa, đồng hồ đeo tay..). Thuốc lá điện tử lại có giá rất rẻ, vài chục nghìn cũng có thể mua được, nên các em dễ dàng sở hữu các sản phẩm này.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng rất dễ tìm kiếm, việc mua bán dễ dàng diễn ra nhanh chóng, thuận tiện từ các trang mạng xã hội hay các địa điểm bán lẻ, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.
Các thông tin quảng cáo, tiếp thị của các công ty thuốc lá gây hiểu nhầm cho người sử dụng như có công dụng cai nghiện, giảm phơi nhiễm, giảm hại… thậm chí sử dụng các thần tượng của giới trẻ để quảng bá các sản phẩm này.
Đây là điều rất đáng báo động trong giới trẻ vì các sản phẩm này ngoài tính chất độc hại, gây bệnh, còn gây nghiện nicotine và nghiện ma túy do tình trạng "núp bóng" của thuốc lá điện tử trộn ma túy, ảnh hưởng cả một thế hệ tương lai của đất nước.
|
Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đang gia tăng (Ảnh minh họa/ANTĐ) |
Theo Luật sư Kiều Hạnh, bộ luật Hình sự, Công ty luật TNHH Trần Hạnh và cộng sự, Đoàn luật sư TP.HCM, nếu người chỉ sử dụng thuốc lá điện tử nhưng không buôn bán, tàng trữ thì sẽ không bị xử lý hình sự. Nếu vừa sử dụng thuốc lá điện tử vừa có thêm hành vi mua, bán có thể bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Hiện, việc xử phạt hành chính về trật tự công cộng được quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, việc sử dụng thuốc lá điện tử (chất kích thích) gây mất trật tự công cộng bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Luật sư cho rằng quy định trên chủ yếu xử lý hành vi gây mất trật tự công cộng. Do đó, Bộ Y tế đang dự thảo các văn bản liên quan, sớm trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt, xử lý hành vi sử dụng thuốc lá điện tử.
Liên quan đến mức xử phạt hành vi chứa chấp và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đang đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với hành vi tái phạm.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với các hành vi vi phạm quy định trên.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Gửi thông báo xử phạt vi phạm hành chính tới cơ quan, tổ chức người vi phạm làm việc, học tập để cơ quan, tổ chức đó xử lý theo quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức...
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Quyết định này được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết 173/2024/QH15, nghiêm cấm mọi hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm này, nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.