Cổ phiếu ngân hàng: không nên đầu tư ào ào

(khoahocdoisong.vn) - Đầu năm 2019, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cổ phiếu ngân hàng không hẳn hấp dẫn như kỳ vọng...

Trong nhóm cổ phiếu ảnh hưởng đến thị trường

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán PSI cho biết, nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm ngành nghề cơ bản, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, doanh thu lợi nhuận tăng 20-30%... vì vậy, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu này. Đặc biệt, những mã ngân hàng lớn như VCB, CTG, ACB... được coi là nhóm cổ phiếu vua.

Thống kê 17 ngân hàng niêm yết trên hai sàn TP HCM, Hà Nội và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM trong ba tháng đầu năm cho thấy, các mã chứng khoán ngành ngân hàng tiếp tục giữ xu hướng tăng sau một năm diễn biến tích cực. Trong đó nhiều mã tăng tốt như Vietcombank - VCB tăng 25,4%, Eximbank - EIB tăng 24,3%, Ngân hàng Quân đội - MBB (16,3%). Trong nhóm tăng cũng có HDBank, VPBank, ACB...

Theo ông Khánh, nếu có nhu cầu đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng thì các NĐT nên chọn lựa kỹ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, cũng như có thể đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị ít nhất là trung hạn. Để thu hút các NĐT, thì buộc các ngân hàng phải đưa ra những dự án phát triển, hoạt động kinh doanh phải có sức sống, có tiềm năng... Ngoài ra, chất lượng, năng lực quản lý, quản trị của ban điều hành tốt cũng sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT.

Trong những phiên gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng có phiên tăng giảm đan xen. Hiện tại giá một số cổ phiếu ngân hàng chưa lấy lại mức đỉnh cao hồi đầu năm ngoái, nhưng vẫn trụ vững ở mốc quan trọng và có cơ hội bật tăng trở lại khi thị trường hồi phục vì lực mua của NĐT vẫn ở mức cao. Vì vậy, nếu đầu tư, các NĐT nên chọn lựa kỹ những cổ phiếu có nền tảng cơ bản, đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư giá trị ít nhất là trung hạn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục có vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán và được các NĐT, nhất là NĐT ngoại quan tâm nhiều hơn. Tại Việt Nam, ngân hàng là ngành được luật pháp quy định chặt chẽ nhất, mức độ cải tiến của các ngân hàng càng ngày càng mạnh so với các DN thuộc ngành, lĩnh vực khác. Các vấn đề về quản trị, quản lý rủi ro… được vận hành theo thông lệ quốc tế, nên ngành Ngân hàng tiếp tục là ngành dẫn đầu trong thị trường và chắc chắn cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng cường vai trò dẫn dắt thị trường.

Cũng có ý kiến chuyên gia nhận định, năm 2019 ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng toàn Ngành ở mức 14% sẽ phần nào ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các nhà băng, khi tín dụng vẫn đang là mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chủ yếu. Thêm vào đó, áp lực tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II sẽ khiến lượng cổ phiếu ngân hàng phát hành trong năm 2019 tăng vọt, pha loãng và tạo phân hóa rõ nét về giá cổ phiếu. Ngân hàng nào tăng vốn được như kế hoạch cũng như có doanh thu, lợi nhuận tốt sẽ kéo tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Khó cất cánh như kỳ vọng

Mặc dù được coi là nhóm dẫn dắt thị trường chứng khoán nhưng không ít nhà đầu tư e dè với cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư Nguyễn Xuân Hiền thậm chí còn cho rằng, ngân hàng đang che dấu rủi ro nợ xấu (gian lận trong đánh giá nợ xấu tiềm tàng và trích lập dự phòng thấp) để đổi lấy lợi nhuận được chia. Thị trường bất động sản xu hướng giảm sẽ ảnh hưởng không ít tới lợi nhuận của ngân hàng.

Thời gian gần đây, có những phiên lực bán bất ngờ dâng cao ở phiên chiều đã đẩy nhiều cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng với các mã: ACB, BID, CTG, TCB, VCB, STB... đều giảm sâu. Nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện nay thiếu đi động lực vốn ngoại mới, sau khi đã đầy hoặc khóa "room". Cổ phiếu hầu hết ngân hàng niêm yết trở thành điểm trũng chôn vốn trong xu hướng tăng mạnh của thị trường... Kỳ vọng một mức giá cao hơn mức hiện tại cho cổ phiếu ngân hàng là không thực tế, nhất là trong quí 1 vừa qua trích lập dự phòng rủi ro của một tỷ lệ lớn ngân hàng thấp hơn so với cùng kỳ.

Đặc biệt, khi việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử hàng loạt vụ án nghiêm trọng, liên quan đến hoạt động ngân hàng giai đoạn gần đây, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục phân hóa. Những ngân hàng tốt, thị giá cổ phiếu có thể duy trì ở mức hiện tại. Với những ngân hàng yếu kém, giá cổ phiếu sẽ biến động, thậm chí giảm mạnh.

Mặc khác,theo các chuyên gia, hiện số tuyệt đối tổng dư nợ cho vay của ngành ngân hàng với nền kinh tế đã rất cao, tới 7,3 triệu tỉ đồng, và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang quyết liệt điều hành mức tăng trưởng tín dụng 14% cho năm nay và thấp dần cho những năm sau nhằm quản lý rủi ro. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN là phù hợp. Chỉ có điều các ngân hàng yếu kém vẫn nhận được hạn mức tín dụng không thấp hơn mức chung của cả ngành vì họ cần phải tiếp tục cho vay, trong không ít trường hợp là đảo nợ.

Không giống những lĩnh vực khác, kinh doanh tiền tệ của các tổ chức tín dụng có mối quan hệ với nhau và tác động qua lại giữa chúng có tính dây chuyền. Một ngân hàng yếu kém gặp vấn đề về thanh khoản, các ngân hàng khác cũng phải đề phòng. Về nguyên tắc, hiện tại những ngân hàng yếu kém đã bị “cách ly”, nhưng đó không phải là sự “cách ly” tuyệt đối. Cổ phiếu ngân hàng, do đó, không chỉ đang phân hóa mà còn có thể chịu những tác động không tích cực từ các ngân hàng yếu kém.

Thêm nữa, những ngân hàng vừa qua phát hành cổ phiếu cho nước ngoài ở mức định giá cao, giờ đang điều chỉnh theo mặt bằng của thị trường cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng khác. Quí 1 vừa qua, nhiều ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Khoảng 4-5 ngân hàng không trích lập dự phòng cho quí 1 song lợi nhuận vẫn chỉ đạt vài chục tỷ đồng. Do vậy, kỳ vọng một mức giá cao hơn mức hiện tại cho cổ phiếu ngân hàng có vẻ không thực tế. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sẽ rủi ro nếu đầu tư "lướt sóng" cổ phiếu ngân hàng. Có lẽ chỉ nên đầu tư trung, dài hạn những mã cổ phiếu đầu ngành.

Theo Đời sống
back to top