Có nên xét nghiệm kháng thể sau tiêm văcxin ngừa Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Dịch vụ xét nghiệm kháng thể hiện nay không có giá trị cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc so sánh hiệu lực bảo vệ giữa các văcxin ngừa Covid-19.

SARS-CoV-2 có thể nhận dạng qua nhiều kháng nguyên khác nhau

Gần đây, nhiều người dân quan tâm xét nghiệm kháng thể Covid-19 sau tiêm văcxin vì lo lắng sau khi có thông tin những người đã tiêm văcxin đầy đủ vẫn bị nhiễm bệnh. Hoặc nhiều người nghĩ mình không được tiêm văcxin "xịn" nên hoài nghi về hiệu quả của văcxin.

tiem-ngua-covid.jpg
Văcxin ngừa Covid-19 bảo vệ bạn mà không cần xét nghiệm kháng thể.

Một số khác biết băn khoăn không biết tiêm 2 mũi có được bảo vệ đầy đủ hay không.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, giảng viên Bộ môn Miễn dịch Sinh lý - Sinh lý bệnh (Đại học Y Dược TPCHM) đồng thời là Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, SARS-CoV-2 có thể nhận dạng qua nhiều kháng nguyên khác nhau như kháng nguyên protein gai (S), kháng nguyên nucleocapsid (N).

Sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc tiêm văcxin, hệ miễn dịch của chúng ta sản xuất ra kháng thể. Khi mắc bệnh, cơ thể tạo ra đủ loại kháng thể tương ứng chống lại cả kháng nguyên S và N.

Sau khi tiêm văcxin ngừa Covid-19, dựa theo cơ chế sản xuất văcxin, đa số đều chỉ tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên S hoặc RBD (vùng có gắn kết kết với protein S); trừ nhóm văcxin bất hoạt lấy thành phần là toàn bộ virus đã chết, ví dụ Verocell của Sinopharm. Các kháng thể có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để phát triển trong cơ thể. Vì vậy, không nên đi làm xét nghiệm kháng thể ngay sau khi vừa tiêm văcxin xong.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh giải thích thêm, các loại kháng thể được tạo ra trong cơ thể người (như IgA, IgM, IgG, IgD, IgE) có 2 tính chất quan trọng: kháng thể gắn kết (binding antibody) bám vào kháng nguyên để đánh dấu cho các tế bào miễn dịch của cơ thế tấn công “trúng đích”; và kháng thể trung hòa (neutralizing antibody) giúp ngăn chặn virus xâm nhập tế bào chủ.

ths.bs-nguyen-hien-minh.jpg
ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, giảng viên bộ môn Miễn dịch Sinh lý - Sinh lý bệnh (Đại học Y Dược TPCHM) đồng thời là Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM).

Các xét nghiệm kháng thể liên quan đến virus SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu quan tâm bao gồm: Định lượng hoặc định tính kháng thể gắn kết kháng nguyên S và/hoặc kháng nguyên N (thông thường sẽ kiểm tra kháng thể IgM, IgG); đánh giá kháng thể trung hoà để xem xét khả năng vô hiệu hóa virus sống.

Không phải phòng xét nghiệm dịch vụ nào cũng có đủ năng lực chuyên môn và máy móc thực hiện đủ các dạng xét nghiệm kháng thể như trên.

Không cần xét nghiệm kháng thể

Với virus SARS-CoV-2, protein gai (S) có vai trò quyết định khả năng xâm nhập tế bào. Các công ty làm kit xét nghiệm kháng thể Covid-19 đều chọn lựa phát triển sản phẩm theo hướng khác nhau và trên thị trường xét nghiệm dịch vụ hiện nay phần lớn đều tập trung định lượng kháng thể IgG chống kháng nguyên S.

Hoặc các test nhanh kiểm tra kháng thể IgM, IgG là xét nghiệm định tính của phản ứng gắn kết kháng nguyên - kháng thể.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh giải thích, việc gắn kết kháng nguyên - kháng thể giúp đánh giá sự phơi nhiễm, nghĩa là “đã từng gặp gỡ” của hệ miễn dịch với virus hoặc thành phần của virus. Đây là xét nghiệm kháng thể sử dụng rộng rãi hiện nay, cho kết quả nhanh nhưng chúng không cho biết mức độ phản ứng của hệ miễn dịch hoặc hiệu quả bảo vệ thế nào.

da-tiem-hai-mui.jpg
Sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc tiêm văcxin, hệ miễn dịch của chúng ta sản xuất ra kháng thể chống lại bệnh tật như Covid-19. 

Loại xét nghiệm kháng thể trung hòa (viết tắt Nabs) thực hiện bằng kỹ thuật trung hòa giảm đám hoại tử, nhằm đánh giá khả năng vô hiệu hóa virus sống gây bệnh. Các kháng thể trung hòa ngăn chặn sự gắn kết của virus vào tế bào cũng như ngăn chặn virus thay đổi cấu trúc và hình dạng nhằm xâm nhập và tái tạo trong tế bào.

Xét nghiệm này mới, độ nhạy cao, chưa được phổ biến, hiện chỉ dùng trong nghiên cứu sản xuất phê duyệt văcxin, theo dõi sau cấp phép văcxin ngừa Covid-19 hoặc nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị bệnh

Các chuyên gia xét nghiệm đang mong muốn có thể có liên kết tương quan giữa xét nghiệm nồng độ kháng thể IgG và kháng thể trung hoà với nhau nhưng rõ ràng là với các biến chủng virus khác nhau, NAbs khác nhau rất nhiều với cùng lượng IgG.

Hiện nay, chưa phải là lúc để có thể chắc chắn về mối tương quan của mức đáp ứng kháng thể với sinh miễn dịch của cơ thể với bệnh Covid-19. Xét nghiệm đơn thuần định lượng nồng độ kháng thể chống lại kháng nguyên S hay N của virus SARS-CoV-2 chỉ đại diện cho một khía cạnh của phản ứng miễn dịch phức tạp.

Thiếu hoặc ít kháng thể IgG trong xét nghiệm không có nghĩa là bạn không được bảo vệ, vì phản ứng trí nhớ miễn dịch được tạo ra từ nhiễm virus hoặc tiêm chủng trước đó vẫn có thể tạo ra sự bảo vệ khi lần sau tái phơi nhiễm với virus.

Liên minh Toàn cầu về Văcxin và Tiêm chủng (GAVI) cho rằng, cũng như các loại văcxin khác, chẳng hạn như bệnh sởi hoặc bệnh bại liệt, vô số dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng và các chương trình tiêm chủng đang diễn ra trên thế giới cung cấp niềm tin rằng văcxin Covid-19 bảo vệ bạn mà không cần xét nghiệm kháng thể.

Việc hiểu sai các xét nghiệm kháng thể Covid-19 trong máu có thể khiến mọi người coi thường các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh, đồng thời đưa ra kết luận không đúng về hiệu quả của văcxin. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc từ chối tiêm chủng của những người khác, cuối cùng làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh.

Theo Đời sống
back to top