Tập để chiêm nghiệm bản thân đừng mong thành “thần”
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Trung tâm Tư vấn và Phát triển vì sức khỏe cộng đồng cho biết, bản chất của sự luyện tập là một quá trình tu dưỡng rèn luyện để làm chủ bản thân: Điều thân – điều tức – điều tâm và kết hợp cùng các quy luật sinh tồn khách quan của sự sống tạo nên sự cộng hưởng thăng hoa đem lại sức khỏe, trí tuệ, tâm thức và nâng cao năng lượng sống, chất lượng sống cho con người. Tuy nhiên, không ít người vọng tưởng, mong muốn mình chở thành “thần”, “thần y”, có khả năng chữa bệnh hoặc một khả năng đặc biệt nào đó.
Lớp học thiền của Học viện Tâm khí Việt. |
Theo ông Dũng, mỗi ngày có thể dành thời gian 30 phút đến 1 giờ cho luyện tập. Giờ tập tốt nhất trong ngày là 6 giờ sáng và 18 giờ chiều (giờ Mão từ 5 - 7 giờ sáng và giờ Dậu từ 17 - 19 giờ chiều). Có thể chọn lựa các bài tập, động tác cho phù hợp với thời gian, thể trạng sức khỏe, sở thích, khả năng của mình.
Những người luyện khí, luyện thiên chuyên sâu chọn luyện vào 23h đêm đến 1 giờ sáng (giờ Tý) cần phải hết sức thận trọng. Vì đây là thời khắc chuyển giao giữa năng lượng khí âm và dương nên có thể sẽ xuất hiện những hình ảnh, âm thanh, tín hiệu lạ. Khi tâm thức bắt được những kênh năng lượng mang thông tin này cần hết sức chú ý không tham đắm, chạy theo những hình ảnh, tín hiệu lạ mà cần giữ tâm thanh tịnh, khách quan, làm chủ tâm lý thần kinh của mình. Luôn đặt câu hỏi “để làm gì” và “dành cho ai” để xác định mục đích và đối tượng áp dụng. Nếu xét thấy không phù hợp, không cần thiết thì buông xả, xóa bỏ hình ảnh, tín hiệu, dừng tập để không bị vương vấn trong tâm trí, bị lôi kéo vào trạng thái “tẩu hỏa nhập ma”, không làm chủ được tâm trí, hành vi, lời nói, ứng xử... của mình.
Thực hiện thiền động. |
Theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA, tập thiền, yoga và các môn dưỡng sinh đúng phương pháp và giữ cho tâm bình khí hòa thì sẽ giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Nhưng tập sai phương pháp thì dẫn đến tai họa.
"Không chỉ tập nửa đêm mà bất cứ lúc tập nào mà mà sinh tâm vọng tưởng cũng dễ rơi vào ma đạo. Chính tôi cũng có một thời ham thần thông, sinh ra vọng tưởng, thậm chí nghĩ rằng mình sắp có thần thông, sắp thành Bồ Tát đến nơi…may được nhờ các vị minh sư chỉ giáo mới thoát khỏi tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”, TS Vũ Thế Khanh nói.
Kiểm soát được cả 3 thân để khỏe mạnh
Theo BS.VS Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm CLB Khí công Thăng Long, chọn thời điểm tập luyện còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu người còn công tác mà chọn lựa tập luyện giữa đêm, không ngủ đủ thì hôm sau chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công việc và sức khỏe cũng sẽ kém đi.
Vì vậy, nguyên tắc tập luyện ở đây là phải phải thường xuyên, chuyên cần. Phải thực hành có bài bản, chính xác và phải tôn trọng những nguyên tắc bắt buộc. Mỗi chúng ta cũng như vạn vật đều là những cơ thể trong vũ trụ, đều có vị trí không gian và nguồn năng lượng riêng, nhưng vận hành theo cái chung. Mỗi cơ thể đều phải hòa hợp với vũ trụ và thiên cơ cũng hòa nhập với vạn vật trong một thể thống nhất.
Trong vũ trụ khi năng lượng kết tụ thì sinh ra vạn vật có hình tướng và liên tục biến đổi, không dừng nghỉ, đạo Phật gọi là “vô thường”. Năng lượng của vũ trụ thì tràn ngập, nó phủ kín muôn vật và thấm trong muôn vật. Nhưng ta muốn hòa hợp với nó thì phải biết quy luật vận hành gọi là “pháp”. Mọi pháp đều chỉ là phương tiện để chứng ngộ. Muốn có pháp hay phải trọng thầy giỏi, khi có pháp hay thầy giỏi thì phải tự mình tin thầy, phải tu luyện vượt qua pháp để chứng ngộ.
Nếu muốn tu luyện thì phải “khổ luyện” đi từ động đến tĩnh qua điều thân, điều tức và điều tâm, để ngoài thì khai mở cân - cơ - xương, trong thì hợp nhất tinh - khí - thần. Tạm gọi mỗi chúng ta có 3 thân: thân bên ngoài là vật lý, thân giữa là năng lượng và thân bên trong là tâm linh. Thì con đường tu luyện khí công đi từ động đến tĩnh là con đường kiểm soát được cả 3 thân để chúng ta có một thân chung, với cơ thể khỏe mạnh, năng lượng dồi dào và trạng thái tinh thần an lạc.