Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Ở hầu hết các công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam, thế hệ thứ nhất (F1) vẫn là những người điều hành trực tiếp và che phủ “cái bóng” lên người nối nghiệp. Thế nhưng, một vài người đã thực sự kế nghiệp từ cha mẹ mình và khởi tạo một kỷ nguyên mới.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB có thể coi là một trường hợp hiếm hoi trong số những người thừa kế nổi tiếng nhất Việt Nam đã bước khỏi cái bóng của cha mình (ông Trần Mộng Hùng – nhà sáng lập ACB) khi nối nghiệp tại ngân hàng này.

Trước khi ngồi vào "ghế nóng" tại ACB, ông Huy chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam khi mới 34 tuổi bởi "chưa được chuẩn bị gì cả". Thế nhưng, năm 2012, sau sự cố bầu Kiên ở ACB, ông Huy trở thành người duy nhất sẵn sàng đảm nhận "ghế nóng" khi một thành viên HĐQT khác từ chối khi được mời vào vị trí này.

Sau hơn 8 năm ngồi ghế chủ tịch, ông Huy đã chứng tỏ được năng lực của mình, với việc cùng đội ngũ trẻ ở ACB đưa ngân hàng này "trở lại yên chiến mã" và "phi nước đại". Năm 2019, ACB đạt lợi nhuận hơn 7.500 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,54%; con số này của năm 2012 là 1.000 tỷ đồng và 2,46%. Còn 9 tháng đầu năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, ACB đạt lợi nhuận hơn 6.400 tỷ đồng (tăng 15,3% so với cùng kỳ). Đây là chưa kể đến việc ACB đã trích lập dự phòng rủi ro lên gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Trần Mộng Hùng – nhà sáng lập ACB, cùng nhiều thành viên thế hệ F1 tại ngân hàng này đã nghỉ hưu với niềm tự hào về thế hệ F2. Và như chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Toại, nguyên Phó Tổng giám đốc ACB – một trong 27 người đầu tiên làm việc tại nhà băng này, thế hệ F1 đã "old-fashioned" nhưng "vị nguyên lão" nói từ đó với giọng đầy tự hào. Về mặt tầm nhìn, thay vì định hướng ACB là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu thời trước, Trần Hùng Huy và thế hệ F2 tại ngân hàng đã xác định tương lai của ACB là một "Intergrated financial platform to serve customer needs".

Vưu Lệ Quyên, con gái lớn của ông Vưu Khải Thành – Chủ tịch của Biti’s được chọn làm người kế nghiệp tại công ty giày dép nổi tiếng. Chỉ giữ số cổ phần tương đương với người em trai và em gái nhưng Quyên được chọn làm CEO Biti’s. Trong lần trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ, Vưu Lệ Quyên cho biết: "Ba tôi là một người có tư tưởng rất mở. Khi chúng tôi còn nhỏ ông đã không quan trọng con trai hay con gái nối nghiệp; cũng như không quan trọng đó là người trong gia đình hoặc là cộng sự bên ngoài". Thậm chí nữ CEO này còn cho rằng: "Tôi từng nghĩ vị trí này nên thuộc về một thành viên trong ban Tổng Giám đốc. Có rất nhiều anh chị thật sự rất giỏi trong lĩnh vực mà họ đang công tác".

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Thực tế, cũng như Trần Hùng Huy ở ACB, Vưu Lệ Quyên đã thực sự bước ra khỏi cái bóng của cha mẹ mình và tạo dựng một thời kỳ mới ở Biti’s với thương hiệu mang dấu ấn của riêng mình. Dưới sự điều hành của Quyên, thương hiệu giày dép nổi tiếng một thời với slogan "Biti’s nâng niu bàn chân Việt" đã lột xác. Sự trở lại của thương hiệu này đến với phân khúc giày thể thao qua 2 đại sứ thương hiệu đình đám với giới trẻ Sơn Tùng M-TP (cùng MV Lạc trôi) và Soobin Hoàng Sơn (cùng MV Đi để trở về).

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Đặng Hồng Anh (Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công) là một trường hợp F2 khác đã bước qua được cái bóng của cha mẹ: ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn và bà Huỳnh Bích Ngọc – Phó Chủ tịch thường trực. Nhiều người nhìn vào lý lịch "khởi nghiệp bán bánh canh năm 18 tuổi" dù gia đình siêu giàu, nhưng Đặng Hồng Anh đã thực sự biết kiếm tiền từ khi chưa tới 10 tuổi. Thời đó còn chưa cấm đốt pháo, Đặng Hồng Anh lấy tiền để dành, xin thêm của bố rồi mua các khoanh pháo nhỏ và tháo lẻ ra, bán lại cho các bạn trong xóm…

Cũng sau đó, Hồng Anh khẳng định mình theo kiểu một triệu phú tự thân chứ không phải kiểu "cậu ấm" ở một gia đình siêu giàu. Như chia sẻ của Hồng Anh thì anh "làm kinh doanh với tinh thần của một vận động viên" và "không được bỏ cuộc". Thành lập Sacomreal rồi đưa công ty vốn 11 tỷ lên hơn 1.000 tỷ đồng, con trai cả nhà họ Đặng khẳng định vị trí của mình một cách độc lập. Chưa tới tuổi 40, doanh nhân này đã trải qua "2 lần đứng bên lằn ranh sinh tử" ở tuổi 28 và 32 khi Sacomreal bị tác động mạnh bởi khủng hoảng bất động sản và biến cố tại Sacombank.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh, Đặng Hồng Anh không còn được nhớ tới kiểu "con của ông Đặng Văn Thành" mà đơn giản là Đặng Hồng Anh. Tham gia Shark Tank, và trở thành Shark Đặng Hồng Anh – doanh nhân này không muốn "ăn thịt" startup nào mà đơn giản chỉ muốn "chia sẻ ít nhiều với các bạn trẻ khởi nghiệp". Hiện tại, ngoài các vị trí kinh doanh ở Tập đoàn Thành Thành Công, anh còn là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.

Trần Uyên Phương cũng là một người thừa kế đặc biệt khác đã nỗ lực bước khỏi cái bóng của cha mình – ông Trần Quí Thanh (người thường hay được biết dưới cái tên Dr Thanh). Không giống như Đặng Hồng Anh, Uyên Phương tự khẳng định vị trí của mình trong chính công ty gia đình và đi lên từ vị trí thấp trong công ty.

Tốt nghiệp đại học ở Singapore, Uyên Phương bắt đầu với vị trí thư ký giám đốc marketing, rồi được thuyên chuyển lên làm nhân viên phiên dịch cho giám đốc dự án ERP, nhân viên marketing, nhân viên dịch vụ marketing, giám đốc quản lý nhãn hàng, giám đốc quản lý phòng marketing, giám đốc quản lý bộ phận mua quảng cáo, ... . 

Trải qua nhiều thử thách, con gái lớn của Dr Thanh mới được ngồi vào vị trí Phó Tổng giám đốc. Và điều đặc biệt mà người cha đã dành cho Phương cũng như cô em gái Trần Ngọc Bích là: "Người ngoài sai thì được xử lý chừng mực, riêng mấy đứa nhỏ sai phải phạt gấp 5 lần" – tiết lộ của một lãnh đạo cấp cao có nhiều năm làm việc tại đây.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Trên thực tế, ngoài những nỗ lực sau nhiều năm tại Tân Hiệp Phát, Trần Uyên Phương còn khẳng định được vị trí độc lập của mình qua cuộc khủng hoảng "con ruồi trong chai Number 1". Là Phó Tổng giám đốc phụ trách marketing, Uyên Phương cùng với đội ngũ của mình đã đưa Tân Hiệp Phát "hạ cánh từ từ" mà không bị sốc đến mức sụp đổ. "Khủng hoảng con ruồi" xảy ra năm 2015 nhưng doanh thu của Tân Hiệp Phát không suy giảm quá mạnh trong năm 2016 và đã phục hồi từ năm 2017.

Cùng với việc chèo lái Tân Hiệp Phát vượt qua "khủng hoảng con ruồi" thành công, Uyên Phương còn nổi tiếng với việc cho xuất bản 2 cuốn sách "Chuyện nhà Dr Thanh" và "Competing with Giants" – tạm dịch Vượt lên người khổng lồ. Đặc biệt, Competing with Giants là cuốn sách mà Trần Uyên Phương viết cùng 2 tác giả khác là cuốn sách được Forbes xuất bản tại Mỹ, đưa Phương trở thành doanh nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện điều này. Trong cuốn sách, một chi tiết đặc biệt được Phương tiết lộ là Dr Thanh đã từng từ chối lời đề nghị mua lại trị giá hơn 2,5 tỷ USD số cổ phần chi phối ở Tân Hiệp Phát của Tập đoàn Coca-Cola vào năm 2012.

Tương tự như Vưu Lệ Quyên của Biti’s, Trần Uyên Phương được coi là người kế nghiệp dù không phải là con trai và chưa phải là CEO của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Trong buổi trả lời phỏng vấn Trí thức trẻ tại phòng làm việc, ngồi bên cạnh Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy là ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó Tổng giám đốc ACB – sếp đầu tiên của ông Huy tại ngân hàng này. Trong cuộc trò chuyện, ông Huy có vẻ hơi ngượng khi gọi là "anh Toại" với phóng viên nhưng nói rất ngọt "chú" lúc trao đổi trực tiếp với cựu lãnh đạo ACB.

Vị chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nói về cha mình và các bậc cha chú ở ACB với sự kính trọng lớn và không do dự trả lời về câu hỏi về "con ông cháu cha" khi nói rằng, "mình rất tự hào" khi trở thành Chủ tịch ACB vì "nhờ là con của ba nên mới có cơ hội ấy". Tất nhiên, ông Huy cũng cười và nói thêm rằng "nhưng ở ngồi ở ACB thật lâu với cơ cấu cổ đông như vậy thì mình cũng phải làm được, người khác mới cho ngồi chứ".

Còn với Đặng Hồng Anh, doanh nhân này tiết lộ một thói quen đặc biệt là luôn về nhà ăn cơm trưa với ba mẹ nên bạn bè, người thân thiết sẽ tránh mời vào buổi trưa. Ông Đặng Hồng Anh chia sẻ sự biết ơn khi ba mẹ ngoài việc nuôi dạy các con nên người, còn duy trì tình cảm bền chặt của gia đình với bữa cơm trưa – điều cực kỳ khó tin với những doanh nhân bận rộn.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đều kể về câu chuyện mình đã được ba dạy việc điều hành kinh doanh thế nào khi còn nhỏ (14 buổi, ông Đặng Văn Thành đã đưa Hồng Anh đến Đại hội cổ đông Sacombank để học cách điều hành cuộc họp). Tại một buổi tọa đàm trực tuyến với Trí thức trẻ, doanh nhân Đặng Hồng Anh gặp một người bạn của cha mình – ông Nguyễn Văn Thân (đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam). Cuộc trò chuyện rất ngắn với ông Thân hôm đó cho những người tham dự tọa đàm cảm nhận được mối thân tình theo kiểu gia đình và không ngại ngần về xưng hô (gọi ‘chú’ xưng ‘con’) của Đặng Hồng Anh…

Với CEO Biti’s, Vưu Lệ Quyên được cha mẹ mình dạy "làm chị lớn phải thì phải làm gương, luôn biết nghĩ cho các em". Có lẽ cũng nhờ việc "đáng mặt chị lớn" và tất nhiên do năng lực quản trị, Quyên không chỉ vận hành hòa thuận với em trai và em gái của mình, mà còn tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ cho những người lao động khác.

Vưu Lệ Quyên chia sẻ với Trí thức trẻ câu chuyện về 3 mảnh đất được ba mẹ cho 3 chị em xây nhà để nói về cách hành xử trong gia đình. "Em gái tôi lập gia đình xây nhà trước, nhưng miếng đất của em thì có đường đâm vào, người Việt mình thì kỵ. Thế là em trai nhường cho chị gái miếng đất đẹp hơn. Và khi em trai lại có nhu cầu xây nhà, thế là mình nhường luôn cho miếng đất đẹp của mình. Còn mình sẽ chọn miếng đất đường đâm để làm vườn chung cho em gái và em trai", Quyên nói.

Chuyện nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Trần Uyên Phương (bên trái) và Trần Ngọc Bích (bên phải) luôn gọi ba mình là "sếp Thanh" khi ở công ty.

Ở công ty, Trần Uyên Phương hay Trần Ngọc Bích vẫn gọi ba mình là "sếp Thanh" để phân biệt rạch ròi giữa vị trí trong công việc và gia đình. Tuy nhiên, cô gái mạnh mẽ này luôn dành sự kính trọng đặc biệt cho cha mẹ mình khi nói về họ và cả cách mà Phương học tập từ những kinh nghiệm khắc nghiệt từ Dr Thanh. 

Theo Tổ Quốc
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top