Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tổ chức đấu thầu mua 190.000 tấn gạo. Kết quả có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia đợt 1 với số lượng 178.000 tấn. Tuy nhiên, đến thời hạn, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng và cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng song chỉ cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn. Còn lại, 24 doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn. Theo quy định của Luật Đấu thầu, các nhà thầu từ chối ký hợp đồng đã phải nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền đảm bảo dự thầu là 27,9 tỷ đồng.
Kết quả thanh tra cũng cho thấy, tại các điểm kho dự trữ có 7/22 Cục Dự trữ Nhà nước đã để các tổ chức, cá nhân gửi gạo trong kho dự trữ của Nhà nước. 7 Cục Dự trữ Nhà nước làm trái với quy định gồm: Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các vụ chức năng của Tổng cục trong việc thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra các sai phạm trên. Bộ Tài chính cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm làm rõ sai phạm đối với các cục trưởng, chi cục trưởng dự trữ Nhà nước cho gửi hàng vào kho trái quy định. Các cá nhân của các đơn vị có liên quan đến những sai phạm trên cũng sẽ chịu kiểm điểm, trách nhiệm.
Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị phải rà soát các quy trình, quy chế quản lý Kho Dự trữ Nhà nước để sửa đổi bổ sung đảm bảo công tác giám sát, quản lý tập trung, hiện đại hóa và xây dựng kế hoạch trang bị, lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các điểm Kho Dự trữ Nhà nước để phục vụ công tác giám sát, quản lý đảm bảo an toàn. Sau khi hoàn tất hồ sơ, đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm sang Cơ quan Điều tra Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.