Nhận định trên được Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu lên tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020. Ông Dũng cho rằng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số.
Riêng đối với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.
Tuy nhiên, theo Cisco (2019), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm. Theo Temasek, Bain&Company (2019), Kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.