80% doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ làm thầu phụ
Báo cáo của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI), nhu cầu chuyển đổi số trở thành một vấn đề cấp thiết và là điều kiện tiên quyết để thực hiện hoạt động.
Theo kết quả khảo sát, có 44,74% doanh nghiệp cho biết có sự tương thích về công nghệ giữa doanh nghiệp của mình và các đối tác trong chuỗi dịch vụ logistics; còn 42,11% doanh nghiệp chia sẻ nguyên nhân của việc chậm chuyển đổi số là do kinh phí hạn hẹp và nhân lực hạn chế, cũng như chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp.
Ngoài ra, 39,47% doanh nghiệp logistics cho rằng chưa tìm được công nghệ chuyển đổi số phụ hợp và 28,95% doanh nghiệp băn khoăn không biết nên dành kinh phí đầu tư như thế nào cho phù hợp và nên khởi đầu như thế nào trong quá trình chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, gần 16% doanh nghiệp bày tỏ việc chuyển đổi lượng thông tin hiện hữu với khối lượng khổng lồ lên nền tảng số cũng là trở ngại.
Chỉ có 5,26% doanh nghiệp logistics cho rằng, cản trở cho quá trính chuyển đổi số là do không chú trọng đến tính an toàn và khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến.
Nói rõ hơn khó khăn của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Tuấn Lâm – Phó chủ tịch HĐQT, CTCP công nghệ Onelog Việt Nam cho biết, vấn đề chuyển đổi số hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể thực hiện chuyển đổi số thành công.
Bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn chuyển đổi số thường gặp các câu hỏi về chi phí đầu tư, sự phù hợp của các ứng dụng đối với mô hình doanh nghiệp Việt Nam...
Cụ thể, phần lớn các chương trình phần mềm hiện nay được mua mã nguồn từ nước ngoài, các lập trình viên của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ điều chỉnh cải tiến và cung cấp cho doanh nghiệp logistics trong nước.
Tư duy của các phần mềm này chủ yếu đến từ những lập trình viên, mà không xuất phát từ thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp logistics, do đó khi doanh nghiệp logistics sử dụng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có những cơ hội vàng để chuyển đổi số, bởi quy mô nhỏ nên quy trình vận hành chưa phức tạp như các doanh nghiệp lớn, dẫn đến số hóa quy trình dễ hơn, nên chi phí chuyển đổi số thấp hơn và dễ triển khai hơn.
"Bây giờ không phải là thời đại cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh thắng cá chậm. Doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi số nhanh hơn sẽ tạo ra cơ hội phát triển tốt hơn so với những doanh nghiệp lớn, chậm chạp trong chuyển đổi số", ông Lâm nói.
Doanh nghiệp vẫn cần chính sách
Đại diện của Onelog Việt Nam cho rằng, việc chuyển đổi số của doanh nghiệp phải dựa trên thay đổi về tư duy của chủ doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp phải nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số là vấn đề tất yếu và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả vận hành.
Về vấn đề giải pháp và chi phí, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng đội ngũ chuyên gia và thử nghiệm với chi phí thấp, thuê các phần mềm có sẵn trên thị trường, sử dụng thử và đánh giá phù hợp để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ngoài ra, cần có những chiến lược chuyển đổi số rõ ràng bởi đây là vấn đề dài hạn, thực hiện chuẩn hoá quý trình làm việc trước khi chuyển đổi số.
Đại diện CTCP công nghệ Onelog Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất hỗ trợ việc tiếp cận Logistics 4.0 với khối doanh nghiệp vận tải nội địa ở quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra, ông Lâm cũng đề xuất cần xây dựng các chính sách và tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sáng tạo trong ngành Logistics bằng cách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn; các hoạt động tương tác học hỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là học hỏi về các công nghệ mới.
Chia sẻ các thông tin về các chính sách mới, thông tin liên quan; xây dựng khung pháp lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.