Chủ tịch AIC không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa

Kết luận điều tra nêu rõ, trong trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không ra trình diện hoặc đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Đáng chú ý, kết luận điều tra nêu rõ, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế, đồng thời kêu gọi bị can ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; hợp tác điều tra để đảm bảo quyền tự bào chữa. Trong trường hợp không ra trình diện hoặc đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử.
Chu tich AIC khong ra dau thu coi nhu tu bo quyen tu bao chua
Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của người bị buộc tội, bị can, bị cáo.
Trong tố tụng, sẽ chia làm hai bên đó là bên buộc tội và bên gỡ tội. Bên buộc tội là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát còn bên gỡ tội là bị can, bị cáo, người bào chữa cho bị can bị cáo. Theo nguyên tắc, hoạt động buộc tội sẽ có trước, hoạt động gỡ tội có sau. Có buộc tội thì mới có gỡ tội và buộc tội ở đâu, sẽ gỡ tội ở đó.
Trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự, người bị buộc tội, bị can, bị cáo có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, đây là quyền hiến định và được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất cụ thể đầy đủ.
Nếu bị can bị cáo tham gia tố tụng, không bỏ trốn, sẽ tiếp xúc với cơ quan tiến hành tố tụng, được tiếp cận những thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, được bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các tài liệu chứng cứ buộc tội mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được, được quyền trình bày ý kiến để bào chữa cho bản thân mình...
Tuy nhiên, nếu bị can bỏ trốn và bị truy nã, tất cả các quyền đó và các hoạt động tố tụng sẽ không được tham gia.
Do đó, trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và công ty AIC, cơ quan điều tra cho rằng nếu bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bỏ trốn thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa là có cơ sở lý luận.
Cùng với đó, việc bị can bỏ trốn, bị truy nã cũng không thể thực hiện được quyền nhờ người khác bào chữa. Những người thân thích của bị cáo cũng có quyền mời luật sư bào chữa cho các bị can, bị cáo. Tuy nhiên, đơn mời luật sư đó phải có sự xác nhận của bị can, bị cáo về việc đồng ý người thân mời luật sư bào chữa. Do đó, trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, dù người thân có mời luật sư bào chữa cho bà Nhàn thì thủ tục đăng ký bào chữa cũng không thể thực hiện được bởi cơ quan tố tụng chưa xác định được bà Nhàn có đồng ý để người thân nhờ luật sư bào chữa cho mình hay không.
Do đó, trong các trường hợp bị can bỏ trốn và bị truy nã, việc gỡ tội gần như không thể thực hiện được. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự quy định cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm vừa thu thập chứng cứ buộc tội vừa thu thập chứng cứ gỡ tội. Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc chứng minh, nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo...Tuy nhiên, nếu chỉ có hoạt động buộc tội một chiều mà không có hoạt động gỡ tội, rất khó có thể đánh giá kịp thời, đầy đủ, chính xác hoạt động buộc tội có đúng pháp luật hay không, có căn cứ hay không, có bỏ sót những chứng cứ gỡ tội hay không.
Theo quy định của pháp luật, hành vi không nhận tội, bỏ trốn, bị truy nã không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hành vi gây khó khăn cản trở cho cơ quan điều tra, không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì đó là những tình tiết cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án và ý thức chấp hành pháp luật của bị can, bị cáo.
Đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố về hai tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Với tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, hình phạt có thể tới 20 năm tù, tội đưa hối lộ hình phạt cũng có thể tới 20 năm tù. Trường hợp bị kết tội về hai tội danh này, hình phạt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ không quá 30 năm tù.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự, Tòa án có thể xét xử vắng mặt đối với bị cáo. Tuy nhiên để xét xử vắng mặt thì cần phải có cáo trạng truy tố. Nếu bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố hoặc giai đoạn điều tra, cơ quan tố tụng sẽ tạm đình chỉ đối với bị can đó và tiến hành truy nã theo quy định pháp luật.
Thời hạn truy tố đối với tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày, ngoài ra Viện Kiểm sát còn có thể gia hạn thời hạn truy tố thêm 30 ngày nữa. Trong tổng thời gian khoảng 60 ngày này mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn không đầu thú và cơ quan chức năng cũng không bắt giữ được bà Nhàn, Viện Kiểm sát không thể truy tố và tòa án cũng không thể xét xử đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án này. Đây là hành vi gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, Viện Kiểm sát sẽ căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự để tạm đình chỉ, tiếp tục truy nã, khi nào bắt được bà Nhàn thì sẽ phục hồi vụ án để tiếp tục xử lý đối với bị can này.
Bởi vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thời gian 30 ngày và có thể được gia hạn thêm 30 ngày nữa trong giai đoạn truy tố để trình diện, khai báo sự việc, thực hiện quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa theo quy định của pháp luật.

>>> Mời độc giả xem thêm video Vũ “nhôm” tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ

Nguồn: THĐT

Theo Đời sống
back to top