Chu kỳ tháng 5 và cú ngược dòng của thị trường chứng khoán Việt

(khoahocdoisong.vn) - Dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều quy luật, trong đó có cả sự ngược dòng trong dịch bệnh của thị trường chứng khoán Việt. Nhưng không phải vì thế mà nhà đầu tư có thể đặt quá nhiều kỳ vọng vào thời điểm này.

Dòng tiền mới

Tại thị trường Mỹ, câu “Sell in May and go away” để đề cập đến một chu kỳ gọi là hiệu ứng Halloween (Halloween effect). Hiểu đơn giản, việc mua chứng khoán trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4 thường tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn quãng thời gian còn lại trong năm.

Điều lạ là hiệu ứng này không chỉ xảy ra trên đất Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác, nơi mà lễ hội Halloween không phải truyền thống như Nhật, Úc và Việt Nam.

Hiện, ở các quốc gia vẫn chưa có giải thích thuyết phục cho hiệu ứng trên. Một cách mà người ta vẫn giải thích là vin vào cái cớ nghỉ hè mùa tháng 5 nên tính thanh khoản của thị trường thấp, giao dịch ảm đạm.

Tuy nhiên, năm nay do phải chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, diễn biến này lại không còn giống như các năm trước.

Riêng tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh, từ mức 769,11 điểm chốt tháng 4 lên mức 827,03 điểm (ngày 15/5/2020), tức tăng gần 58 điểm, tương đương tăng 7,5% trong nửa tháng.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán nhận định, sau giai đoạn bán tháo, giới đầu tư trong nước đang dồn tiền đổ vào thị trường, với những phiên có thanh khoản lên tới 8.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thay vì dòng tiền đến từ khối tự doanh (công ty chứng khoán) và khối ngoại như thường lệ, lực nâng thị trường lại đến từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước và dòng tiền của việc đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ của chính các doanh nghiệp. Thậm chí, lực nâng từ đáy này là cực mạnh, bất chấp việc khối ngoại liên tục bán ra.

Theo thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước mở mới tới 36.721 tài khoản trong tháng 4 và 31.949 tài khoản trong tháng 3. Đây là số lượng tài khoản mới được mở cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Bên cạnh số lượng tài khoản kỷ lục, thống kê từ thị trường từ ngày 1/3 - 12/5, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 8.130 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhà đầu tư hào hứng tham gia thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã tung hàng loạt chiến dịch hỗ trợ phí giao dịch và lãi suất cho vay. Điển hình là Công ty Chứng khoán SSI triển khai gói vay ký quỹ 2.000 tỷ đồng với lãi suất 9%; Chứng khoán KIS Việt Nam thực hiện chính sách lãi suất cho vay 8,9% trong 3 tháng; Chứng khoán KB Việt Nam miễn phí giao dịch và áp dụng lãi suất vay 9,5%...

Tại một diễn biến khác, động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 4,75% xuống còn 4,25%, áp dụng từ 13/5. Với việc lãi suất giảm, dự kiến không nhiều, nhưng sẽ có dòng tiền rút khỏi ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Đừng quá kỳ vọng

Dòng tiền mới là một trong những nguyên nhân giúp thị trường tăng chỉ số ngay trong mùa dịch. Tuy nhiên, đây vẫn là dòng tiền mang tính đầu cơ, vào/ra nhanh và không có tính bền vững, khiến thị trường đón nhận nhiều phiên trồi sụt.

Thứ nữa, trong những phiên gần đây, dòng tiền mới đã có sự yếu đi. Thay vào đó là dòng tiền mua vào từ khối tự doanh và nhà đầu tư nước ngoài. Thông thường, tiền từ hai nhóm trên có độ tin cậy hơn rất nhiều so với nhà đầu tư trong nước. Nhưng lần này, theo nhóm chuyên gia tại The S.U.N Investment System, động thái mua ròng cần được lưu ý.

Cụ thể, việc thay đổi từ bán ròng sang mua ròng ở mức giá cao hơn hẳn phải được quan sát kỹ. Thực chất, khối tự doanh các công ty chứng khoán hiện nay được thực hiện chủ yếu nhằm phục vụ các nghiệp vụ kỹ thuật cho các sản phẩm phái sinh và sự vận hành các quỹ chỉ số có liên quan thay vì hoạt động sinh lời đơn thuần như nhiều năm trước.

Đồng thời, khối ngoại quay lại mua ròng vài phiên cũng chưa thể đánh giá dòng tiền đã quay lại. Trước đó, suốt 3 tháng trước, khối ngoại đã miệt mài bán ròng.

Tại khía cạnh khác, nhà quản lý đang gia cố thêm cho lực tăng của thị trường bằng các chính sách. Từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, nhà quản lý đã thực hiện các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán; giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày xuống 1 ngày; đề xuất UBND cấp tỉnh đưa ngành chứng khoán vào danh mục ngành dịch vụ thiết yếu để tạo điều kiện cho thị trường không phải đóng cửa khi cả xã hội phải thực hiện lệnh giãn cách để phòng dịch...

Mới nhất, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 9/5/2020, Bộ Tài chính có đề xuất thêm các giải pháp như nghiên cứu tăng hạn mức tín dụng cho ngành chứng khoán.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PIS) đánh giá, đề xuất nới room tín dụng của Bộ Tài chính chủ yếu mang yếu tố kỹ thuật hơn là hiệu quả thực tế. “Bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng cho ngành chứng khoán còn khá lớn, hiện chỉ đạt khoảng 0,37% trong khi quy cho phép 5%”, ông Khánh giải thích.

Trao đổi với nhiều công ty môi giới khác cũng như nhiều nhà đầu tư KH&ĐS được biết, không phải công ty chứng khoán thiếu nguồn lực để cho vay mà nhà đầu tư đang bị ràng buộc bởi các điều khoản giới hạn việc cho vay.

“Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán đối với một khách hàng đang không vượt quá 3% vốn chủ sở hữu; tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết. Do đó có hiện tượng hết room cho vay đối với các mã  cổ phiếu có sức hút dòng tiền”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Như vậy, với việc được nâng từ dòng tiền không bền cùng một vài giải pháp chưa đi sát thực tế, nhà đầu tư cần rất thận trọng trong thời gian này. “Nhà đầu tư tránh mua đuổi, chỉ mở lại một phần trạng thái ngắn hạn khi chỉ số VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ quanh 810 điểm”, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top