Chống sốc và tử vong khi sốt xuất huyết bùng phát

Thời điểm hiện nay đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc gia tăng mạnh không chỉ ở các tỉnh phía Nam mà cả tại phía Bắc. Nhiều ca tử vong, sốc và biến chứng nặng do chủ quan với sốt xuất huyết.

Chu kỳ 4 - 5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết

Công văn 3212/BYT-TT-KT ngày 20/6/2022 của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, tử vong tăng 24 trường hợp.

Trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao.

Chỉ tính riêng các tỉnh phía nam, mỗi tuần có thêm 6.000 – 8.000 ca mắc mới. Bộ Y tế nhận định nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.

Tại TPHCM đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong 1 tuần qua, TPHCM phát hiện thêm 16.057 trường hợp mắc bệnh, 136 ổ dịch mới phát sinh, 274 ca nặng. Trong 9 ca tử vong thì đã có 2 ca là phụ nữ mang thai.

soc-sot-xuat-huyet-2.jpg

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến ngày 12/6, thành phố có 93 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021). Dù dịch bệnh tại Thủ đô đang được kiểm soát nhưng với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều như hiện nay, đồng thời với chu kỳ 4 - 5 năm lại xuất hiện đợt dịch cao điểm về sốt xuất huyết (kể từ đợt dịch sốt xuất huyết gần đây nhất năm 2017), nguy cơ các ca mắc sốt xuất huyết có khả năng gia tăng trong thời gian tới.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Hiện tại mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận, điều trị cho gần 10 ca sốt xuất huyết, một số ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm. Như trường hợp một nam thanh niên mắc sốt xuất huyết cho hay vì không biết mình bị bệnh, nghĩ chỉ đau nhức mỏi người, sốt cao như cảm cúm thông thường nên anh tự điều trị tại nhà. Đến khi những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau vùng bụng trở nặng rõ rệt, sốt 4 ngày không hạ, chảy máu chân răng, anh mới đi viện, tiểu cầu đã giảm mạnh...

Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) cũng đã tiếp nhận 17 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 5 người phải nhập viện điều trị nội trú...

soc-sot-xuat-huyet-3.jpg

Hết sốt vẫn sốc và tử vong

Tại TPHCM bệnh nhân nam T.Đ.P. (36 tuổi, Gò Vấp, TPHCM) nhập viện trong tình trạng sốc nặng do sốt xuất huyết. Bệnh nhân bị sốc, tổn thương đa cơ quan (hô hấp, gan, thận, rối loạn đông máu) ở ngày thứ 5. Bệnh nhân được can thiệp ECMO, lọc máu liên tục 12 lần, thay huyết tương tới 14 lần với tổng số huyết tương thay thế là 56 lít, tương đương 280 đơn vị máu tươi cùng nhiều biện pháp tích cực khác... mới được cứu sống.

ThS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, sốt xuất huyết thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.

Đáng quan tâm nhất là hầu hết bệnh nhân không biết mình bị sốt xuất huyết. Vì bệnh rất khó chẩn đoán, không có dấu hiệu lâm sàng, bệnh giống như sốt thông thường, bệnh nhân thường có sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39 - 40 độ C, sốt kèm các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu... đau bụng ở thượng vị hoặc hạ sườn phải, đôi khi nôn. Thường sau 2 - 3 ngày, đôi khi da mới xung huyết hoặc có phát ban...

soc-sot-xuat-huyet.jpg

Đa số bệnh nhân tự mua thuốc điều trị ở nhà nên khi đến viện, bệnh đã ở trong tình trạng nặng như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới màng tiếp hợp, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn kỳ hạn, thậm chí nôn ra máu, đi đại tiện ra máu.

Đặc biệt, có không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốc, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, bệnh nhân vật vã, li bì, đau bụng cấp do tràn dịch màng phổi, màng tim, ổ bụng... Sốc xuất hiện nhanh chóng với mạch nhanh nhỏ khó bắt, da lạnh nhớp mồ hôi, huyết áp hạ, huyết áp tối đa dưới 90mmHg hoặc huyết áp kẹp (khoảng cách giữa tối đa và tối thiểu (20mmHg).

Thai phụ bị nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ trở nặng cao hơn những đối tượng khác. Tình trạng cô đặc máu dễ xảy ra. Phụ nữ mang thai có thể lây sốt xuất huyết sang con bởi vì thời gian ủ bệnh thường dao động trong khoảng 3 - 14 ngày. Thời gian này, virus Dengue có thể truyền từ mẹ sang con. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị lây nhiễm sốt xuất huyết từ mẹ trong quá trình sinh hoặc bị muỗi đốt sau sinh"

Theo ThS Nguyễn Hồng Hà, những trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời, sốc diễn biến rất nhanh với huyết áp tụt xuống nhanh và đôi khi không đo được mạch nhỏ khó bắt, bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, thở yếu. Không xử trí nhanh chóng thì sốc kéo dài sẽ gây toan chuyển hóa, giảm natri máu và xuất hiện đông máu nội quản rải rác gây xuất huyết trầm trọng ở tiêu hóa và các cơ quan khác. Bệnh nhân có thể xuất huyết não đưa đến hôn mê và có thể tử vong.

Cần đặc biệt chú ý ngay cả khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), bệnh có thể trở nặng và sốc.

soc-sot-xuat-huyet.jpg

Hạ sốt truyền dịch không đúng có thể xuất huyết nặng hơn

Các chuyên gia cho biết, sốt xuất huyết nếu phát hiện sớm rất dễ điều trị, chỉ cần hạ sốt, truyền dịch và bổ sung vitamin là khỏi. Nhưng nếu có các biến chứng, điều trị sẽ rất khó khăn phức tạp, truyền máu cũng chưa chắc đã cứu được. Vì vậy, để tránh gặp các biến chứng nguy hiểm, những người bị sốt cao 39 độ C (đặc biệt là những người trong vùng có dịch) cần đi khám ngay để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Thông thường, trong 10 trường hợp bị SXH, chỉ 1 - 3 trường hợp trở nặng (có biến chứng) mới phải nhập viện, còn lại được theo dõi điều trị tại nhà. Vì vậy, cần đảm bảo cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt đúng liều, uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng đủ chất, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng (tránh những thức ăn nhiều mỡ) để nâng cao sức đề kháng cơ thể, hồi phục bệnh.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Phó phòng Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cảnh báo, không có văcxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho sốt xuất huyết. Khi bị sốt người dân cần đi khám, nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Có thể uống paracetamol để giảm sốt và làm dịu cơn đau khớp. Không nên uống aspirin vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.

Đặc biệt, dù có sốt cao cũng tuyệt đối không được tự ý tăng liều, tăng số lần thuốc giảm sốt vì quá liều dễ gây tổn hại gan, ngộ độc. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh nặng kéo dài, phù nề, suy tim khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu được.

Một vài biện pháp đơn giản để phòng bệnh

- Hạn chế nước tù đọng quanh nhà (lọ hoa, săm lốp cũ, bể chứa nước...).

- Mặc quần áo dài sáng màu, đi tất bảo vệ.

- Mắc màn có tẩm thuốc chống muỗi trước khi đi ngủ.

- Sử dụng hoá chất xua muỗi, phun hoá chất diệt muỗi.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top