Chóng mặt… coi chừng nguy cơ đột quỵ

Trời lạnh, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 30% và đáng chú ý là nhiều người… do chủ quan với cơn chóng mặt, dẫn đến tử vong và tàn phế.

“Trên 50% đột quỵ sống nền không có thiếu hụt thần kinh khu trú, bệnh nhân chỉ biểu hiện cơn chóng mặt. Hàng năm khoảng 2,6 triệu bệnh nhân chóng mặt nhập cấp cứu, 5% (100.000-150.000) có đột quỵ, hầu hết vùng bên thân não hay tiểu não dưới, 40% chẩn đoán sai, tử vong hay tàn phế rất cao”- BSCKII. Bùi Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nói.

Chủ quan chóng mặt, hậu quả khôn lường

Đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau tim mạch và ung thư và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chi phí để điều trị cho đột quỵ hàng năm ở Mỹ là 36,5 tỷ USD trong đó bao gồm thuốc men, chăm sóc y tế, số ngày nghỉ việc. Tại Việt Nam chưa có con số chính xác về chi phí điều trị đột quỵ. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Dự báo tới năm 2025 ở Mỹ sẽ có khoảng 18,7% dân số mắc đột quỵ.

Trung tâm Đột Quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 85 tuổi, nhập viện với lý do triệu chứng chóng mặt ngày thứ 2. Bệnh nhân ở nhà đã tiêm truyền và uống thuốc nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 2 gia đình gọi hỏi bệnh nhân không trả lời nên đã vào viện.

Kết quả chụp CHT sọ não: Có hình ảnh tổn thương tiểu não, thân não do tắc thân nền nhưng quá giờ can thiệp. Bệnh nhân và gia đình đã bỏ qua thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Hiện tại bệnh nhân hôn mê, G: 3 điểm, thở máy, tiên lượng nặng nề.

Tương tự, bệnh nhân nam, 66 tuổi (Phú Thọ) cũng nhập viện do chóng mặt kéo dài kèm theo liệt mặt. Người bệnh có biểu hiện chóng mặt đã tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ, ngày hôm sau tình trạng chóng mặt tăng lên kèm theo xuất hiện méo miệng, gia đình mới đưa vào viện.

Trên phim chụp CHT sọ não có hình ảnh nhồi máu não tiểu não, cầu não phải. Tuy nhiên, do người bệnh nhập viện vào ngày thứ 2 của triệu chứng bệnh, đã qua giờ vàng nên không chỉ định được biện pháp điều trị bằng thuốc tiêu huyết khối, bỏ lỡ cơ hội phục hồi nhanh của người bệnh.

BSCKII. Bùi Thị Thu Hà cho biết, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ phải trả giá bằng tính mạng và sức khỏe của mình. Các bệnh nhân đều chủ quan với triệu chứng chóng mặt và nhầm lẫn với tiền đình,... mà không biết nó có thể là bệnh lý nguy hiểm - đột quỵ.

Chóng mặt là triệu chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên: Thay đổi huyết áp, co thắt mạch máu não, nhồi máu tiểu não, thiếu máu não, tiền đình, tổn thương dây thần kinh VIII... Chóng mặt được phân làm 2 loại:

Chóng mặt trung ương gây ra bởi các vấn đề từ não. Tiểu não chính là phần não bị ảnh hưởng nhiều nhất (thường gặp trong đột quỵ).

Chóng mặt ngoại biên thường xảy ra do tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình bị tổn thương, chóng mặt ngoại biên lành tính tuy nhiên gây khó chịu cho người bệnh.

Kết quả chụp CHT sọ não của bệnh nhân đột quỵKết quả chụp CHT sọ não của bệnh nhân đột quỵ

Hội chứng tiền đình cấp nguyên nhân thường gặp như viêm thần kinh tiền đình (viêm mê đạo) và tổn thương trung ương (đột quỵ sống nền (83%), xơ cứng nhiều chỗ (11%), nguyên nhân khác (6%). Trên 50% đột quỵ sống nền không có thiếu hụt thần kinh khu trú, bệnh nhân chỉ biểu hiện cơn chóng mặt.

Nếu không chẩn đoán sớm, đột quỵ tiểu não dưới có thể gây phù tiểu não, chèn ép thân não, tử vong. Không chẩn đoán nguyên nhân và điều trị phòng ngừa sớm hội chứng tiền đình cấp do thiếu máu còn dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ tái phát.

“Trong nhiều trường hợp, người đột quỵ chỉ có triệu chứng chóng mặt “thoáng qua”, khoảng một giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe. Vì sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự vỡ (do kích thước nhỏ), hoặc mô não này có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên. Tuy nhiên, cứ 10 bệnh nhân có cơn thiếu máu não “thoáng qua” thì sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ thật sự trong một tuần kế tiếp” – BS Hà nhấn mạnh

Vì vậy, khi có biểu hiện của chóng mặt, người bệnh nên khám tại chuyên khoa thần kinh để tìm nguyên nhân và điều trị trúng đích.

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

Bác sĩ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

Gia tăng đột quỵ vì trời lạnh

TS. Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 cảnh báo, miền Bắc đang bước vào thời tiết có nhiệt độ giảm mạnh, có thể khiến những bệnh liên quan đến thời tiết bùng phát, đặc biệt là đột quỵ – tai biến mạch máu não. Thời tiết lạnh bất thường vào thời điểm đêm và sáng cũng là nguyên nhân khiến các ca nhập viện vì biến chứng đột quỵ, tai biến tăng cao.

Thống kê của Trung tâm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 cho thấy, trung bình số bệnh nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh các năm tăng từ 15% đến 30%. Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại các ca bệnh càng tăng cao bất thường. Không chỉ các ca mới, những người tiểu sử bị đột quỵ, tai biến cũng có nguy cơ tái phát cao hơn.

Theo các thống kê, tổng số ca tai biến chiếm 85% nguyên nhân đột quỵ là do các thiếu máu não cục bộ, còn 15% còn lại đột quỵ là do xuất huyết não.

Thông thường, các biểu hiện trước đột quỵ không đau, thậm chí diễn ra nhanh chóng khiến người bệnh chủ quan và không hề biết rằng một cơn đột quỵ sắp xảy ra. Các triệu chứng chỉ rõ rệt khi bệnh nhân đã vỡ mạch máu não. Vì thế, điều quan trọng là cần phát hiện sớm.

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai, trong những tháng mùa đông, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên đáng kể, và số ca nặng cũng tăng cao.

Nghiên cứu kiểm tra gần 172.000 ca nhập viện do đột quỵ thiếu máu não cục bộ ở Hoa Kỳ và nhận thấy đột quỵ gia tăng đáng kể khi thời tiết lạnh hơn và đặc biệt khi nhiệt độ có sự dao động lớn.

Một nghiên cứu của Đức nhận thấy rằng, khi nhiệt độ giảm 2,9oC trong 24 giờ, đột quỵ não tăng 11% và đặc biệt, tỷ lệ này sẽ cao hơn đối với những người có sẵn nguy cơ đột quỵ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

Nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột. Nguyên nhân là do nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông.

Hơn nữa, trời lạnh nhiều người lười vận động tập thể thao, nhiều căng thẳng stress kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều... cũng khiến tăng nguy cơ đột quỵ.

Cách phòng đột quỵ khi trời lạnh

1. Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15oC. Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài: đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm...

2. Thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi và báo ngay cho bác sĩ khi huyết áp tăng cao bất thường.

3. Khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, …

4. Duy trì hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

5. Thực hiện lối sống ăn uống lành mạnh: không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều.

6. Tránh căng thẳng, stress.

7. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Theo Đời sống
"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh gieo chữ nơi rẻo cao

"Thầy giáo" mang quân hàm xanh Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.
back to top