Theo Báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên 2020, hoạt động cho vay khách hàng của SeABank đạt 98.034 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm 2020.
Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh, nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng 5%. Chỉ có 3 ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm là Eximbank (âm 8,6%), SGB (âm 2,8%) và SeABank (âm 0,6%).
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của SeABank là 2,2%, giảm nhẹ so với đầu năm (2,3%). Mặc dù nợ xấu có giảm, nhưng chủ yếu giảm ở nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Riêng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lại tăng 24%, lên tới con số 2.189 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền gửi khách hàng tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 100.245 tỷ đồng. Do đó, chi phí trả lãi tăng 12%, khiến thu nhập lãi thuần của SeABank giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.330 tỷ đồng.
Hoạt động tín dụng giảm, nhưng các hoạt động kinh doanh khác của SeABank đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Kinh doanh ngoại hối mang về cho ngân hàng này 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lỗ 374 triệu đồng. Thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của SeABank đạt 141 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần năm trước. Tương tự, các hoạt động kinh doanh khác tăng mạnh, đạt 338 tỷ đồng (bán niên 2019 đạt 5 tỷ đồng).
Những hoạt động phi tín dụng trên đã góp phần đẩy lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế của SeABank lên cao, đều tăng 72% so với cùng kỳ năm 2019.
Về tài sản, tính đến 30/6/2020 tổng tài sản của SeAbank ước đạt 162.112 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, chủ yếu đến từ danh mục Tài sản có khác. Trong đó, khoản phải thu từ L/C Upas tăng gấp 2 lần, lên tới 171 tỷ đồng.
Lãi dự thu của SeABank khá lớn với 3.515 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Lãi dự thu được xem như một nguồn lãi ảo của nhiều ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận cho SeABank tăng vốn điều lệ từ 9,369 tỷ đồng lên 12,088 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.