Cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp: Kiểm soát rủi ro ra sao?

Hai thông tư 02, 03 Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn về bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả các tổ chức tín dụng lẫn doanh nghiệp.

Khoa học và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV về nội dung trên.

Góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03 nhằm góp phần gia tăng thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tình hình khó khăn hiện nay, ông đánh giá sao về việc này?

Hai thông tư 02 và 03 được ban hành kịp thời ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023.

Thông tư 03 cho phép nới lỏng một số điều kiện đầu tư, cho vay, mua lại TPDN với một số điều kiện cụ thể, thực hiện từ nay đến hết năm 2023. Qua đó, sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn với thị trường TPDN, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ đáo hạn rơi vào quý 2, 4 tương đối nhiều. Đồng thời làm tăng thêm tính linh hoạt, chủ động cho các tổ chức tín dụng vay, đầu tư, xem xét mua lại TPDN, tất nhiên phải bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro cho cả các tổ chức tín dụng lẫn doanh nghiệp.

Thông tư 03 sẽ góp phần khơi thông, tăng tính thanh khoản cho thị trường TPDN, tăng nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong tình hình khó khăn hiện nay theo chủ trương của Chính phủ từ đó thúc đẩy tăng trưởng đến cuối năm và năm tới.

Thông tư 03 nới lỏng một số điều kiện đầu tư, cho vay, mua lại TPDN với một số điều kiện cụ thể, việc bảo đảm an toàn kiểm soát rủi ro ra sao?

Thông tư 03 cho phép các TCTD được mua lại TPDN đã bán trước đó (mà không cần chờ sau 1 năm như quy định cũ). Điều khoản này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 (tập trung vào quý 2 và quý 4), qua đó DN có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, điều kiện doanh nghiệp phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của TCTD (tức là có tình hình tài chính và SXKD khá lành mạnh) và tùy thuộc vào đánh giá, khẩu vị rủi ro và năng lực tài chính của các TCTD. Như vậy, có thể thấy lượng TPDN được mua lại sẽ không nhiều. Đối với doanh nghiệp phát hành kém hơn, ở các nhóm xếp hạng dưới, sẽ phải tiếp tục triển khai các giải pháp như đã nêu trong Nghị định 08/NĐ-CP ngày 5/3/2023 và Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023…

Thông tư 03 cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ đối với một số DN, bên vay với điều kiện và thời hạn nêu trên, qua đó góp phần giảm một phần áp lực nợ xấu và duy trì cho vay đối với DN, bên vay được cơ cấu lại.

Đồng thời, nhằm đảm bảo đánh giá sát tình hình nợ và có nguồn lực xử lý nợ xấu (nếu xảy ra), các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), có phần bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, như khi thực hiện các Thông tư về cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021, nhiều TCTD sẽ chủ động đánh giá nợ, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro từ trước và hiện nay mức độ bao phủ nợ xấu của hệ thống TCTD khá tốt (125% nợ xấu). Dự báo mức độ tác động đến chất lượng tín dụng và lợi nhuận của các TCTD là không quá lớn, trong tầm kiểm soát. Hiện nay, các TCTD đang tích cực đánh giá phạm vi cơ cấu lại nợ sơ bộ để có phương án phù hợp. Điểm khác biệt lớn là lần này nợ cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng, nên quy mô cơ cấu lại có thể lớn hơn giai đoạn dịch Covid-19.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Rủi ro nợ xấu có thể tăng

Để thông tư 03 đi vào cuộc sống tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông cần lưu ý điều gì?

Thông tư 03 chỉ có hiệu lực áp dụng đến hết năm 2023, Thông tư 02 đến giữa năm 2024, còn sau đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào khả năng phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bên vay.

Do đó, đòi hỏi các bên liên quan thiện chí, nỗ lực, quyết tâm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cùng với việc tiếp tục bám sát tình hình; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (nhất là thị trường tài chính, bất động sản) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư và người dân. Các trung tâm kinh tế như TP HCM, Hà Nội…cần phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu, lan tỏa và kết nối của mình.

Quyết tâm đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và giải ngân đầu tư công; tiếp tục chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, vừa hỗ trợ giải tỏa vốn ngân sách tồn đọng, nợ đọng giữa các DN với nhau, vừa góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 và lâu dài.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả trong phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cân bằng: giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng, giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa tiếp tục là chủ đạo, với cách tiếp cận là mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ, đúng lúc (nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, thuế VAT…) mới đảm bảo cùng trợ lực cho DN, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn. Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, vừa giảm lãi suất hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng, vừa giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

NHNN và Bộ Tài chính cần theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện. Bộ Tài chính cần sớm có điều chỉnh điều kiện phát hành TPDN ra công chúng phù hợp hơn, phê duyệt nhanh hơn, nhằm khuyến khích các DN phát hành ra kênh này nhiều hơn, cùng với việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường TPDN lành mạnh, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực vốn trung dài hạn đối với hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên!

Theo Đời sống
back to top