Chính sách tiền tệ “xoay” chứng khoán phục hồi

Chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và sức khỏe của các doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc trở lại.

Kinh tế vĩ mô đối mặt khó khăn, chứng khoán vẫn hấp dẫn

Tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức thấp khi chỉ đạt 3,72% trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất khó khăn, xuất nhập khẩu tiếp tục suy giảm hai con số, tiêu dùng - đầu tư tư nhân chững lại… Kết quả kinh doanh nửa đầu năm phản ánh khó khăn của nền kinh tế, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường suy giảm mạnh 17%. Hầu hết nhóm ngành đều ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh hoặc thua lỗ so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu là tác động bất lợi của vĩ mô khiến sức cầu trong và ngoài nước suy yếu, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu giảm. Đồng thời, những khó khăn trong nước bao gồm chi phí lãi vay cao và doanh nghiệp khó huy động nguồn vốn.

Trong đó, lợi nhuận khối Tài chính tăng 5,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận khối Phi tài chính sụt giảm mạnh hơn với mức giảm 26,2% so với cùng kỳ. Nhiều nhóm ngành có lợi nhuận suy giảm trong nửa đầu năm 2023 như: Bán lẻ giảm 89%; Tài nguyên cơ bản giảm 86%; Hóa chất giảm 67%... Ở chiều ngược lại, chỉ số ít nhóm ngành giữ được lợi nhuận tăng trưởng dương, trong đó có nhóm Bảo hiểm tăng 41%; Dược phẩm và Y tế tăng 33%.

Trong một năm kinh tế vĩ mô đối mặt khó khăn nhiều hơn thuận lợi, chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn với VN- Index tăng gần 17% từ đầu năm, tập trung tăng mạnh 2 tháng trở lại đây với mức tăng hơn 10%.

Thanh khoản bình quân trên cả ba sàn đạt 14,8 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng 2023, giảm 38% so cùng kỳ. Tuy nhiên, thanh khoản đã có sự cải thiện đáng kể từ tháng 4/2023 với thanh khoản bình quân phiên đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng trong quý II/2023, cao hơn 41% so với quý I/2023. Trong tháng 7, thanh khoản tiếp tục tăng với giá trị giao dịch bình quân đạt khoảng 21,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 50% so với trung bình 6 tháng đầu năm.

Một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường đến từ môi trường lãi suất giảm thấp, cũng như kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Sẽ lấy lại đà tăng trưởng nửa cuối năm 2023

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phản ánh trước 6 - 12 tháng về kỳ vọng kinh tế vĩ mô khởi sắc dần nửa cuối năm 2023. Do đó, Agriseco Research kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm nay nhờ những chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng nhằm kích thích nền kinh tế. Đồng thời, các nút thắt về thanh khoản trong nền kinh tế đã và đang được giải quyết. Bên cạnh đó, bối cảnh vĩ mô thế giới cũng tốt dần lên khi cuộc chiến chống lạm phát dần hạ nhiệt và chu kỳ tăng lãi suất đến giai đoạn cuối cùng.

Trong đó, GDP nửa cuối năm dự báo tăng 8,2% so với cùng kỳ, phục hồi mạnh so với mức 3,72% trong 6 tháng đầu năm nhờ đẩy mạnh đầu tư công, hoạt động sản xuất kỳ vọng phục hồi và hoạt động du lịch, dịch vụ duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho cả năm mà Chính phủ đề ra, mức tăng trưởng nửa cuối năm cần đạt 9 - 10%. Đây là con số rất thách thức bởi sức cầu tiêu dùng chậm lại, đầu tư từ khu vực tư nhân giảm do môi trường kinh doanh không thuận lợi và hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại vì nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm. Các chỉ báo PMI, IIP suy yếu dự báo kinh tế tiếp tục đối mặt khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023 khó đạt mục tiêu 6,5% tuy nhiên, một số điểm sáng sẽ đóng góp vào GDP nửa cuối năm gồm: Đẩy mạnh đầu tư công, dòng vốn FDI tăng và hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng…

Trong đó, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2023. Nửa cuối năm dự kiến kết quả giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng khi các đại dự án đang đồng loạt được khởi công. Giải ngân đần tư công tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như ảnh hưởng quan trọng tới thị trường chứng khoán.

Tín hiệu giải ngân đầu tư công tích cực trong các tháng gần đây kỳ vọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước, GDP tăng thêm 0,058%.

Kế hoạch vốn trong năm 2023 đạt 707 nghìn tỷ đồng, cao hơn 22%, tương ứng 127 nghìn tỷ đồng so với 2022. Để hoàn thành 95 - 100% kế hoạch, Chính phủ sẽ cần giải ngân hơn gần 500 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm (tương đương 78 nghìn tỷ đồng mỗi tháng). Đây là khối lượng công việc khá lớn trong giai đoạn nửa cuối năm, tuy nhiên tình hình giải ngân cải thiện dần qua các tháng.

Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp bắt đầu từ cuối quý I/2023, đồng thời các ngân hàng thương mại cũng đang giảm lãi suất huy động và cho vay để giúp hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp hồi phục, cải thiện lợi nhuận doanh nghiệp. Nhìn chung, việc hạ lãi suất thường sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, mặc dù cần thời gian để thẩm thấu.

Ngoài ra, có nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ tác động tích cực đến các nhóm ngành nửa cuối năm như: Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản; Chính sách giảm thuế VAT; Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước; Chính sách tín dụng ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản; Chính sách tăng lương cơ bản; Chính sách tăng thị thực visa; Luật Tín dụng; Dự thảo sửa đổi Thông tư 41/2016 (nới lỏng tín dụng cho bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội).

Từ đó, lợi nhuận toàn thị trường sẽ lấy lại đà tăng trưởng nửa cuối năm 2023. Trong đó, bối cảnh vĩ mô thế giới tốt dần lên giúp nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may, gỗ có thể phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn, bởi đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu sụt giảm.

Nhìn chung, Agriseco Research duy trì quan điểm lạc quan về thị trường trong trung và dài hạn, mặc dù có thể có những nhịp giảm điểm mang tính ngắn hạn. Đồng thời, kỳ vọng từ quý III này, kinh tế và sức khỏe của các doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc trở lại, cũng như tạo ra nhiều cơ hội mới sau phiên giảm mạnh hơn 50 điểm (phiên 18/8) giúp mặt bằng giá trở nên hấp dẫn hơn. Công ty chứng khoán này nhận định, VN-Index có thể kết thúc năm 2023 trên mức 1.250 và tiếp tục phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, Chứng khoán VNDirect cho rằng, chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, VNDirect kỳ vọng giá trị giao dịch trung bình hàng ngày từ 3 sàn chính có thể đạt 20-25 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, từ mức 16 nghìn tỷ đồng trong quý II/2023, ngang mức với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, nhờ lãi suất huy động ở mức thấp cũng như nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.

Kết hợp với tỷ lệ cho vay ký quỹ toàn ngành trên tổng giá trị tài sản niêm yết trong 3 năm gần đây vào khoảng 17% đến 20%, VNDirect dự báo tổng cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155-180 nghìn tỷ đồng trong nửa cuối 2023, hàm ý mức tăng 10-30% từ mức 140 nghìn tỷ đồng cuối quý II/2023. Trong bối cảnh này, lĩnh vực chứng khoán sẽ là đại diện tốt nhất cho sự hồi sinh của thị trường.

Theo Đời sống
back to top